Nghe những lời quảng cáo hoa mỹ của một số dự án, nhiều người đi vay mượn hàng trăm triệu đồng thậm chí là tiền tỉ để mua nhà ở. Những tưởng, như lời quảng cáo, sau một vài năm thi công sẽ có nhà, nhưng ai ngờ, có những dự án đã hơn 10 năm nay vẫn ở phần móng. Chủ đầu tư sai phạm, cạn tài chính… là những lý do khiến cho nhiều dự án căn hộ ở Hà Nội và TPHCM “chết yểu”. Vậy phương án nào, hướng nào để người mua nhà, nhà đầu tư lấy được lại nhà, lại vốn… là câu chuyện phải bàn.
Một dự án chung cư tại Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) đang bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Cao Nguyên
Ai bảo vệ người mua
Dù có quy định chủ đầu tư chậm tiến độ, không bàn giao nhà cho cư dân theo hợp đồng mua bán sẽ bị phạt tiền nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn triển khai chậm tiến độ hết dự án này đến dự án khác. Trong khi đó, người dân dù đã nộp hết tiền nhưng vẫn dài cổ chờ nhà. Báo Lao Động đã có những loạt bài phản ánh về tình trạng này, cụ thể Dự án chung cư Sky Garden Towers (115 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) 6 năm nay rơi vào tình trạng bất an khi công trình bị dừng thi công. Dự án Hattoco, tên mới là Golden Millennium Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) phát triển đã 11 năm nay, song hơn 300 khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà. Hay như sau gần 10 năm bị bỏ hoang, những khối ximăng ngổn ngang của dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City) đang dần được tái khởi công.
Không chỉ riêng ở Hà Nội, mà TPHCM cũng dày đặc những dự án kiểu này. Dự án Kingsway Tower (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) bị dừng thi công gần một năm qua, chủ đầu tư là Công ty TNHH Siêu Thành không thấy đâu khiến hàng trăm khách hàng vô cùng lo lắng.
Hàng trăm cư dân mua căn hộ dự án Park Vista (phân khu 11B, đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) bức xúc cho biết, mặc dù họ ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) mua căn hộ dự án từ năm 2016 và được hứa hẹn sẽ nhận được nhà chậm nhất vào quý I/2019. Tuy nhiên đến nay đã trễ hẹn bàn giao nhà gần 2 năm, thậm chí công trình còn dừng thi công.
Có lẽ những dự án chậm tiến độ này đã làm thất vọng hàng nghìn người dân. Thậm chí, đến cả chính quyền sở tại cũng than phiền bởi những hệ lụy không đáng có.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, Dự án chung cư Sky Garden Towers (115 Định Công) đã phải dừng thi công từ cuối năm 2013 đến nay. Tháng 12.2013, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra dự án và phát hiện nhiều sai phạm. Cơ quan này đã xử phạt chủ đầu tư và các nhà thầu.
Theo ông Chiến, hiện chủ đầu tư vẫn đang nợ rất nhiều tiền từ tiền thuế, tiền sử dụng đất. Công trình xây dựng dở rồi để hoang hóa. “Mỗi lần họp chúng tôi vẫn kiến nghị, đề nghị có phương án để dự án đưa vào sử dụng. Việc để dự án như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh trật tự. Đặc biệt, như năm 2017 dịch sốt xuất huyết chỗ này là đại dịch…”, vị Phó chủ tịch này nói và cho biết thêm, dự án này chỉ có Thành phố tháo gỡ hay cho đơn vị khác vào thì may ra mới giải thoát được.
Ông Nguyễn Văn Đực (chuyên gia, lãnh đạo một công ty địa ốc ở TPHCM) cho rằng, có hai phương án để đưa các dự án “chết yểu” này sống lại. Thứ nhất, trong trường hợp chủ đầu tư còn tồn tại, còn khả năng tài chính, theo ông Đực, nên làm theo dạng cuốn chiếu, từng đợt. Một dự án khoảng 500 căn thì cứ hoàn thiện 3 đợt và thu tiền tiếp.
Thứ hai, nếu chủ đầu tư bị thâm thụt, thua lỗ quá lớn. Thậm chí chủ đầu tư bỏ trốn, đi tù… lúc này ngành xây dựng phải tìm cách để xử lý. Những người mua nhà phải lập nhóm điều hành, thu tiếp từ người dân. “Phải có bàn tay của chính quyền. Hoặc người dân thành lập lại, thành lập ban quản lý, kết hợp chính quyền hoàn thiện từng phần”, vị này nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, phường Mỗ Lao đã nhiều lần thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ hứa sẽ tiếp tục triển khai vào quý III và quý IV/2020. Lý do họ chưa triển khai là đang tìm đối tác nhà thầu thi công. Đến giờ, dự án vẫn bất động.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc chủ đầu tư chậm bàn giao cho khách hàng đa phần liên quan đến hợp đồng mua bán. Nếu chủ đầu tư không bàn giao, người dân có thể kiện. Các cơ quan quản lý nhà nước sau khi nghe báo chí phản ánh đã vào cuộc kiểm tra và có thể không giao dự án mới cho những chủ đầu tư như thế, chứ không có chức năng đi đòi nhà hộ khách hàng.
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc hàng loạt dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội là đang “chôn” số vốn khổng lồ, rất lãng phí.
Hiện nay, theo Luật kinh doanh BĐS, đối với các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai ký từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định, trong đó bao gồm việc phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Người mua cần căn cứ thêm vào các tài liệu của bộ hợp đồng bảo lãnh này để làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh của dự án để thu hồi lại khoản tiền.
Theo ông Đính, những dự án mà thi công trước khi luật kinh doanh bất động sản điều chỉnh (trước năm 2014) bây giờ tất cả những người góp vốn sẽ thành cổ đông, tính toán lại, thuê đấu thầu, thuê nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. “Bên nào cũng chịu thiệt một tí, thất thoát một phần chứ không thất thoát tất cả. Bây giờ phải đồng lòng từ ba phía: Chính quyền, chủ đầu tư và người dân. Phía chính quyền trước đây không kiểm soát tốt để xảy ra như vậy nên giờ phải xúm vào làm cùng dân để tháo gỡ, tránh thất thoát cho dân”, ông Đính nhấn mạnh.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, hiện nay về mặt pháp lý giữa người dân và các chủ đầu tư dự án đang có quá nhiều rắc rồi. Để gỡ được phần rắc rối này, theo luật sư Tú các bên cần phải ngồi với nhau, phải đồng cảm, chia sẻ cho nhau. Rõ ràng, chủ đầu tư bán nhà cho dân hứa một năm giao nhà nhưng đến nay 5 và 10 năm chưa giao nhà thì đó là sai với hợp đồng. Về nguyên tắc thì khách hàng có quyền ra tòa. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, người dân đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Người dân mòn mỏi đi đòi nhà cả thập kỷ khiến họ mất niềm tin vào chủ đầu tư. Để đòi lại công lý họ cũng đã tìm đến nhiều cánh cửa nhưng tất cả đều đang bị “đóng”. Chỗ bấu víu cuối cùng của họ là chính quyền địa phương, người đứng đầu Thành phố. Hy vọng một thời gian sớm nhất các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
Báo xây dựng