• Hơn 12,1 triệu góp ý về chính sách đất đai

Hơn 12,1 triệu góp ý về chính sách đất đai

Ngày cập nhật: 26/4/2023 » Thị trường nhà đất

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên cơ tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những nội dung đã “chín,” cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn để... thể chế hóa.

Sau hơn 3 tháng lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan soạn thảo đã trình Chính phủ cho ý kiến về dự án luật được hoàn thiện theo góp ý của nhân dân cả nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, cho biết trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, những nội dung đã “chín,” đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, có đánh giá tác động phù hợp, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn để làm cơ sở thể chế hóa cũng như quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện cơ quan soạn thảo đã quy định rõ nhiều nội dung quan trọng như: quy định về các trường hợp thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài chính đất đai.

“Kênh” nhận nhiều lượt ý kiến góp ý nhất là các tổ chức chính trị-xã hội, với tổng số 10.779.147 lượt ý kiến (trong đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được 8.363.162 lượt ý kiến;

Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận được 2.348.965 lượt ý kiến); báo cáo của 63 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp được 1.305.256 lượt ý kiến.

Ngoài ra, có 10.393 lượt ý kiến theo 31 báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 2.509 lượt ý kiến từ các viện nghiên cứu, trường đại học…

Các ý kiến góp ý tập trung nhiều vào các nội dung chính như: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất nền, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể nói, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị;

Bên cạnh đó còn thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng.

Cuối cùng, các địa phương cũng tập trung góp ý về các quy định về quản lý, sử dụng đất đai như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai,… nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.