• HoREA: Doanh nghiệp bất động sản cần được hỗ trợ bằng cơ chế

HoREA: Doanh nghiệp bất động sản cần được hỗ trợ bằng cơ chế

Ngày cập nhật: 8/5/2020 » Thị trường nhà đất

Trước tình hình khó khăn của trị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đề xuất lên Chính phủ một số giải pháp để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển ổn định.

Thị trường bất động sản phục hồi sẽ kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.

Theo đó, HoHEA khẳng định: Thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ năm 2018, với hàng trăm dự án bị ách tắc; nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh; giá nhà tăng; người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở; nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai và bất động sản bị sụt giảm. Dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

“Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết.

Tiếp tục ổn định và phát triển, trước hết, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Để thị trường bất động sản phục hồi, HoREA đề nghị: Tháo gỡ một số quy định về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc nhà nước quản lý, đang bị chồng chéo và mâu thuẫn như: Bổ sung hình thức “giao đất” đối với thửa đất do nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở;

Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đủ điều kiện tách thửa thành dự án độc lập. Nếu không đủ không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Với thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, HoREA đề nghị Chính phủ rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước”(doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp Giấy phép xây dựng, mới được thi công). Trên thực tế, quy trình này đã thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà, mà người mua phải gánh chịu.

Theo phân tích của ông Châu thì: Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án. Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 02 trường hợp: Trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai; trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án.

Do vậy, HoREA đề xuất “quy trình chuẩn 4 bước”: Bước 1: Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Bước 4: Công nhận chủ đầu tư; cấp Giấy phép xây dựng (Chủ đầu tư được khởi công xây dựng); lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.

Bên cạnh các đề xuất về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng thì HoREA cũng đưa ra những giải pháp về tài chính: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng “Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù” kiểu “thời chiến” trong giai đoạn chống dịch Covid-19, chỉ áp dụng cho năm 2020.

Trong giai đoạn này, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, được vay mới và giảm 50% giá trị tài sản thế chấp; tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, cũng được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng... Đặc biệt, đề nghị không nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/horea-doanh-nghiep-bat-dong-san-can-duoc-ho-tro-bang-co-che-278950.html