• Khi nào sổ đỏ đứng tên hộ gia đình?

Khi nào sổ đỏ đứng tên hộ gia đình?

Ngày cập nhật: 18/2/2021 » Thị trường nhà đất

Sổ đỏ sẽ đứng tên hộ gia đình khi đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều kiện sổ đỏ đứng tên hộ gia đình

Theo Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, khi nhận chuyển nhượng thì sổ đỏ (Giấy chứng nhận) sẽ đứng tên hộ gia đình sử dụng đất nếu đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, đang sống chung tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thứ ba, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (cùng góp tiền để mua).

Sổ đỏ sẽ đứng tên hộ gia đình khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Ảnh: ST

Cách ghi thông tin hộ gia đình sử dụng đất

Tại Điểm c, Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về cách ghi thông tin hộ gia đình sử dụng đất như sau:

“Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó”.

Như vậy, khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì trên sổ đỏ sẽ không ghi đầy đủ tên các con có chung quyền sử dụng đất mà ghi thành “Hộ ông” hoặc “Hộ bà”.

Mặc dù không ghi đầy đủ tên các con (thành viên trong gia đình) nhưng những cá nhân này vẫn có chung quyền sử dụng đất nếu cùng nhau góp tiền.

Trong trường hợp chuyển nhượng, tặng cho hay thế chấp quyền sử dụng đất thì vẫn phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình.

Theo báo xây dựng