Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thị trường bất động sản hiện đang gặp các vấn đề về cấu trúc, do đó thị trường mất cân đối kéo theo thị trường tài chính, chính sách cũng có phần lệch, cần tái cấu trúc, xử lý các điểm nghẽn. Chính vì vậy, Chính phủ đang vào cuộc rất quyết liệt.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên nhân do định hướng khuyến khích đầu tư, dẫn dắt dòng vốn bị sai.
Để tạo ra môi trường thu hút vốn thì phải sửa chính sách, thay vì khuyến khích đầu cơ như hiện nay gây mất cân đối.
Động thái của Chính phủ ngày càng quyết liệt và ngày càng tăng lên với tốc độ mạnh hơn. Thấy khó của tình hình để xử lý vấn đề, qua đó hé ra những triển vọng, những điểm sáng.
“Nên cần tái cấu trúc thị trường bất động sản, tài chính. Vấn đề nhận diện và bài bản đã đặt ra, hiện Chính phủ đã có cách tiếp cận nhìn nhận ra vấn đề. Làm sao thông được giữa thị trường tài chính để bơm vốn “thông máu” cho thị trường bất động sản. Lâu nay trong thị trường bất động sản, những khuyến khích cứ hướng vào phân khúc cao cấp. Không bán được mà chỉ đầu cơ, đến lúc tắc nghẽn thì không chỉ gây lãng phí cho nền kinh tế mà còn gây rủi ro cho nền kinh tế, tức là nợ xấu”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng cơ chế chính sách liên quan thị trường bất động sản gồm hai nhóm chính sách ngắn hạn và nhóm trung dài hạn đều đang được Chính phủ tháo gỡ.
Có nhiều phương án tháo gỡ đang được cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan thực hiện.
Thứ nhất là giúp doanh nghiệp từ thực tiễn bằng cách gặp mặt các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn để lắng nghe ý kiến.
Thứ hai là rút kinh nghiệm từ quốc tế, tham khảo kỹ lưỡng với phương châm những điều hay thì học hỏi và những điều dở thì bỏ qua.
Thứ ba là nghe tiếng nói đa chiều từ những người ủng hộ và không ủng hộ.
Trước mắt, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý, lấy lại niềm tin cho người dân, nhà đầu tư. Cùng đó là tháo gỡ khó khăn về vốn, mà nóng nhất là trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2023 và 2024 sẽ có khoảng 234.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, nếu các doanh nghiệp bất động sản không mua lại thì khoản nợ trái phiếu là rất lớn.
Tiếp theo là vốn tín dụng liên quan thị trường bất động sản cũng được Chính phủ tập trung tháo gỡ như giãn - hoãn nợ, tiếp tục giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất...
Với hàng loạt điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng được khẩn trương tháo gỡ, áp dụng trong thời gian tới. Dự báo khoảng từ cuối quý III/2023 trở đi thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên và khởi sắc.
Bởi lúc này các doanh nghiệp đã ổn định được tâm lý, những chính sách tác động tới thị trường cũng sẽ rõ ràng hơn, cộng thêm là gói hỗ trợ tín dụng 110.000 mà Bộ Xây dựng đang đề xuất được triển khai.
“Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất vất vả đàm phán, thương lượng... để giải quyết trái phiếu đáo hạn, điển hình như Tập đoàn Novaland những ngày qua. Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được gấp rút sửa đổi dù mới ban hành tháng 9/2022 sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phù hợp thực tiễn tình hình”, ông Lực nói.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.