• Lại thêm làn sóng trả mặt bằng ở những tuyến phố sầm uất bậc nhất Hà Nội

Lại thêm làn sóng trả mặt bằng ở những tuyến phố sầm uất bậc nhất Hà Nội

Ngày cập nhật: 15/6/2020 » Thị trường nhà đất

Dù hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường nhưng trên một số tuyến phố trung tâm ở Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy,... nhiều cửa hàng vẫn treo biển cho thuê, sang nhượng.

Chuyên mục

Dù hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường nhưng trên một số tuyến phố trung tâm ở Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy,... nhiều cửa hàng vẫn treo biển cho thuê, sang nhượng.


Làn sóng cho thuê, sang nhượng cửa hàng hậu Covid-19

Tại Hà Nội, các tuyến phố như Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy,... là những tuyến phố trung tâm, có vị trí thuận lợi để kinh doanh, buôn bán. Vì vậy, trên các con phố này tập trung rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu.

Cửa hàng trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) treo biển cho thuê từ trong đợt dịch, tới nay vẫn đóng cửa im lìm và chưa tìm được khách thuê mới.

Toàn bộ cơ sở vật chất trong một cửa hàng khác trên phố Chùa Bộc đã được chuyển đi. Không gian trống rỗng, bên ngoài có dán thông báo cho thuê lại cửa hàng.

“Do ảnh hưởng của dịch nên mọi mặt hàng đều bị ảnh hưởng, cửa hàng của mình cũng không phải ngoại lệ. Do đó, mình sang nhượng lại mặt bằng ở Chùa Bộc để tập trung về cơ sở ở Kim Ngưu.”, chị Nguyễn Thị Hải, chủ một cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc chia sẻ.

Các tờ thông báo, băng rôn trả mặt bằng được treo dày đặc dọc phố Chùa Bộc.

Thậm chí, có chủ còn rao bán nhà ở, bán nhà kinh doanh.

Hai cửa hàng với mặt bằng lớn trên phố Thái Hà (quận Đống Đa) cũng treo biển trả mặt bằng, đóng cửa tiệm.

Giống như các tuyến phố trung tâm Chùa Bộc, Thái Hà, đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng không phải ngoại lệ khi cũng có nhiều cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, sang nhượng mặt bằng nhưng tới nay vẫn chưa tìm được người cho thuê.

Chủ một cửa hàng trên đường Cầu Giấy cho biết, do ảnh hưởng của dịch, doanh số bán hàng giảm, anh phải nhượng lại mặt bằng cửa hàng ở đây với diện tích rộng để chuyển sang cửa hàng có diện tích nhỏ hơn.

Các chuyên gia dự báo, phân khúc bán lẻ không thể hồi phục ngay lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2020 khi áp lực tài chính vào giai đoạn này sẽ gay gắt hơn do các khoản quyết toán với ngân hàng. Hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến việc cho thuê mặt bằng khó khăn, làn sóng rao bán nhà phố sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/lai-them-lan-song-tra-mat-bang-o-nhung-tuyen-pho-sam-uat-bac-nhat-ha-noi-281839.html