Tại Hội thảo lấy ý kiến về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu cơ bản thống nhất các đề xuất dự kiến của Bộ Tài nguyên-Môi trường, các quy định cơ bản tháo gỡ được vướng mắc.
Sáng 21/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy Ban Dân Tộc và các Bộ: Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội.
Về phía các địa phương có, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Dương Mạnh Tiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo ổn định đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực biên giới, có địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, tổng kết Luật Đất đai 2013 cho thấy việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.
Theo Thứ trưởng, một trong những hạn chế của việc này là do Luật Đất đai 2013 không thiết kế được quy hoạch, cơ chế thu hồi đất và cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện chính sách này.
Mặc dù Luật Đất đai và các Văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khi đã giao đất lần thứ 2, hạn chế quyền sử dụng đất (trong phạm vi 10 năm, sau đó mới được chuyển nhượng).
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp đồng bào chuyển nhượng trước thời hạn và cá nhân nhận chuyển nhượng đợi hết thời hạn 10 năm đến làm thủ tục, điều này dẫn tới đồng bào dân tộc tiếp tục không có đất sản xuất, chưa đảm bảo mục tiêu chính sách…
Trước tình hình đó, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, bổ sung hoàn thiện về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và ý kiến nhân dân để hoàn thiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Luật như bổ sung hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan quản lý đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số;
Bên cạnh đó cần quy định hành vi bị nghiêm cấm của đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất được Nhà nước giao, cho thuê theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về kế hoạch thu hồi đất để tạo quỹ đất giao, cho thuê cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định thu hồi đất để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về cơ chế tài chính để thực hiện…
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với các đề xuất dự kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cho rằng các quy định đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, đồng thời tập trung góp ý về các nội dung như hành vi bị nghiêm cấm, việc thu hồi đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, cơ chế tài chính… trên cơ sở điều kiện thực tế ở địa phương.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.