• Luật phải rõ, tránh lặp lại cơ chế “2 giá đất”

Luật phải rõ, tránh lặp lại cơ chế “2 giá đất”

Ngày cập nhật: 11/8/2022 » Thị trường nhà đất

Góp thêm ý kiến về sự điều chỉnh trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết theo Luật đất đai 2013 thì cứ 5 năm điều chỉnh khung giá đất một lần. Thế nhưng, trên thực tế, hầu như dự án nào cũng phải định giá đất 2 lần. Vì thế, quy định mỗi năm ban hành 1 bảng giá đất là điểm mới rất tiến bộ, tốt cho công tác đầu tư.

Dù vậy, ông Hiệp cũng lưu ý hiện tại khái niệm về hệ số biến động giá thị trường trong dự thảo luật vẫn còn rất khó hiểu. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên quy định cụ thể để địa phương thực hiện, cũng như tránh lặp lại cơ chế “2 giá đất” do có nhiều loại công trình sử dụng đất khác nhau...

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng nhận định việc bỏ khung giá đất sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, tuy nhiên cần có những quy định cụ thể hơn từ chính sách để giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng cũng như có những điều chỉnh phù hợp.

Góp thêm ý kiến về việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phân cấp, giao trách nhiệm cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và định giá đất cụ thể nhưng Chính phủ vẫn giữ thẩm quyền quản lý, giám sát, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng đây là bước đột phá rất hợp lý.

Tuy vậy, ông Châu cũng nêu quan ngại nếu quy định ban hành bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm sẽ có thể làm tăng khối lượng công việc rất lớn cho các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh.

Lý do mà ông Châu đưa ra là hiện nay vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào đầy đủ, đáng tin cậy, cập nhật theo thời gian thực; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá đất theo vùng giá trị đất nền, giá thửa đất chuẩn.

Vì thế, để quy định trên thực sự trở thành điểm mới đột phá, theo lãnh đạo HoREA, Việt Nam cần xây dựng được chính quyền điện tử, xã hội số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu được tự động cập nhật theo thời gian thực.

“Cơ chế vận hành này cũng đã giúp cho Chính phủ Hàn Quốc có thể nắm chắc diễn biến giá cả của thị trường bất động sản, thị trường đất đai tại mọi thời điểm, mọi khu vực để can thiệp, điều chỉnh kịp thời,” đại diện HoREA chia sẻ thêm.

“Đến lúc đó, chúng ta sẽ có đủ điều kiện để xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn để tính nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất với Nhà nước đồng thời cơ chế xây dựng và ban hành bảng giá đất sẽ được tự động hóa 24/7,” ông Châu nhận định.

Dẫn kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Châu cho hay cơ quan quản lý giá nhà đất, thị trường bất động sản đã chia Hàn Quốc thành 37 vùng giá trị đất và xác lập được giá thửa đất chuẩn được cập nhật theo thời gian thực. Nhờ đó, Hàn Quốc đã thực hiện được việc tính thuế nhà đất tức thì, không gây phiền hà cho người dân.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.