Nhà đầu tư nhận trái đắng sau khi bỏ ra số tiền 200 triệu đồng chung nhau mua một mảnh đất dự án tại Hoà Bình, sau 10 năm vẫn không đòi được tiền.
Cuối năm 2010, chị Trần Thị Trâm (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng bạn bè trong công ty góp vốn đầu tư bất động sản.
Thời điểm đó, công ty chị đang triển khai một dự án tại Hòa Bình, kêu gọi nhân viên đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn. Số tiền của nhân viên được đổi sang giá trị lô đất.
Sau khi huy động tiền của nhân viên, lãnh đạo công ty sẽ xin dự án và chia lô, bán lại.
Theo dự tính, mỗi lô đất sau khi bán ra thị trường có thể lời vài trăm triệu đến tiền tỷ.
Công ty sẵn sàng mua lại lô đất và trả lãi 20% cho nhân viên như một khoản vay.
Nhận thấy tiềm năng nhưng không đủ khả năng tài chính để đăng ký 1 lô, chị Trâm cùng đồng nghiệp trong phòng chọn phương án góp mua chung.
Tùy theo khả năng tài chính, mỗi nhân viên đóng góp từ 100 triệu đến 500 triệu đồng. Tổng số tiền mỗi lô là 1 tỷ đồng.
Chị Trâm rút tiết kiệm và vay thêm gia đình được 200 triệu đồng, tham gia góp mua lô đất cùng đồng nghiệp.
Trong nhóm chị, một người đại diện đứng tên giấy tờ, còn các nhân viên khác ký hợp đồng phụ lục. Chị kỳ vọng có thể kiếm được khoản lợi nhuận từ thương vụ khởi nghiệp đầu đời này.
Không may với chị Trâm, dù đã đóng đủ tiền cho công ty nhưng dự án không được thực hiện như cam kết.
Cùng lúc thị trường bất động sản gặp khó khăn, công ty chị kinh doanh thua lỗ.
Chị Trâm cùng nhân viên yêu cầu lãnh đạo công ty hoàn trả lại số tiền do không thực hiện đúng như cam kết ban đầu nhưng không thành công.
Lãnh đạo hứa tìm cách xoay sở để trả lại tiền cho nhân viên trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, công ty ngày càng khốn khó, không có khả năng trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, chị Trâm và các đồng nghiệp phải nghỉ việc, chuyển sang nơi khác.
Hơn 10 năm nay, nhóm các nhà đầu tư này liên hệ để đòi lại tiền vẫn không thành.
Do góp vốn chung nên chị không thể đứng ra làm việc với công ty, còn người chịu trách nhiệm chính ký hợp đồng với công ty nay đã chuyển vào Đà Nẵng làm việc.
Chị Trâm chia sẻ: “Đúng là thời điểm đó còn non trẻ, không tính kỹ. Nếu gửi tiết kiệm 200 triệu thì 10 năm cũng đã có một khoản tiền rồi. Còn mua vàng thì chắc cũng phải lời được gấp đôi”. Đây là một bài học lớn, chị xác định không thể lấy lại khoản tiền này.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.