Nhiều nhân viên môi giới bất động sản đang loay hoay tìm đủ cách để bán sản phẩm và duy trì công việc, nhưng thị trường đang chững lại, tình thế ngày càng khó khăn.
Theo anh Hữu Văn, môi giới tại một công ty bất động sản ở Hưng Yên, bắt đầu từ quý III năm nay, anh chấp nhận cắt 25% hoa hồng của mình để tăng quyền lợi cho khách mua nhà.
Ví dụ, bán một căn hộ "1 phòng ngủ + 1" với giá 2 tỷ đồng, hoa hồng nhận được là 2%, tương đương 40 triệu đồng.
Anh dành tới 10 triệu đồng để mua điện thoại tặng khách coi như quà khuyến mãi.
Đó cũng là cách mà giới môi giới bất động sản gọi là "cắt máu". Ngoài ra, việc đưa ra các ưu đãi về vay vốn cũng là cách các nhân viên môi giới hay dùng để thuyết phục khách hàng.
Tại một sàn giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa, môi giới cho biết công ty sẵn sàng hỗ trợ khách vay số tiền bằng 80% giá trị hợp đồng và miễn phí lãi suất trong 24 tháng.
Thậm chí, những nhân viên của công ty này còn "mách khéo" khách hàng vay tiền tại một số ngân hàng được cho là "dễ tính", dễ chấp nhận "khẩu vị rủi ro cao".
Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều hỗ trợ về vay vốn, sàn giao dịch này vẫn chưa bán được sản phẩm nào từ đầu quý IV năm nay.
Mức phí hỗ trợ xăng xe, điện thoại mà công ty anh Chí dành cho nhân viên môi giới là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng sau, toàn bộ số tiền đó sẽ bị trừ hoàn toàn, nếu môi giới viên không thực hiện được bất cứ giao dịch nào.
“Công ty tôi có 17 người nhưng đã có 3 người nghỉ trong tháng này. Nhiều người phải làm thêm nghề tay trái để kiếm sống. Từ đầu năm tới nay, không hề có nhân viên mới vào làm dù bộ phận nhân sự liên tục đăng tuyển dụng”, anh Chí chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nguồn cung thị trường khá yếu, dòng vốn bị siết lại, khách hàng ngày càng ít. Các sàn giao dịch đang đối mặt với gánh nặng vận hành bộ máy. Nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là giải thể. Không ít môi giới viên đã nghỉ việc hoặc chuyển sang làm bán thời gian.
“Các giải pháp của cá nhân môi giới viên khó lòng thay đổi quyết định của khách hàng nếu ngân sách chi trả quá lớn, nguồn cung vẫn yếu và thiếu như hiện tại. Vì vậy, dẫu có giảm giá, người mua vẫn chưa chắc xuống tiền”, ông Đính nhận định.
“Khách sợ vay tiền và rót vốn vào căn hộ nghỉ dưỡng. Bây giờ chỉ biết hy vọng năm sau tình hình sẽ tốt hơn”, một môi giới viên của công ty than thở.
Tại văn phòng môi giới bất động sản của anh Đức Chí, công ty có chính sách hỗ trợ 80% chi phí chạy quảng cáo của nhân viên, ước tính khoảng 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ vậy, môi giới viên tại đây còn phải đăng trên mạng xã hội 50 bài chào bán căn hộ trong một tuần.
Tuy nhiên, kết quả thu được không hề khả quan, từ đầu năm đến nay, cả văn phòng anh Chí chỉ bán được 2 căn hộ chung cư.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.