Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà tại các dự án là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Việc này không chỉ khiến người dân mất đi quyền lợi chính đáng, làm thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp gây mất an ninh trật tự.
Người dân tại KĐT Ngoại giao đoàn đang mòn mỏi chờ đợi được cấp sổ đỏ. Ảnh: Phan Anh
Tràn lan dự án chưa cấp, dân mòn mỏi chờ sổ hồng
Việc tranh chấp giữa người mua nhà với chủ đầu tư liên quan đến vấn đề sổ hồng không còn xa lạ. Tại Hà Nội, chậm cấp sổ hồng là một vấn đề nổi cộm. Điển hình là chung cư HH Linh Đàm, VP6 Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam, khu Trương Định Complex, chung cư An Bình Tower, khu đô thị Ngoại giao đoàn...
Nguyên nhân của việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân được lý giải là do một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí vi phạm pháp luật... dẫn đến dự án không đủ điều kiện cấp sổ.
Theo thông tin từ Sở TNMT Hà Nội, toàn thành phố đang có 135 dự án cấp sổ 1 phần. Việc chậm sổ không có ngoại lệ, dù người dân có mua nhà ở khu đô thị (KĐT) được coi là đáng sống bậc nhất thủ đô - Khu Ngoại giao đoàn. Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị K.V (cư dân tòa N01T5) bức xúc: "Chúng tôi bị chủ đầu tư là CP Đầu tư Lạc Hồng ép nhận nhà từ tháng 10.2018, khi tòa nhà chưa được nghiệm thu, chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Ở đây rất lâu rồi nhưng đến tháng 3.2020, chủ đầu tư mới thông báo tòa nhà đã đủ điều kiện bàn giao. Trước đây, họ ép dân nhận nhà là vì họ đang rất cần tiền, nên suốt thời gian dài, dân vào ở khi chưa đủ điều kiện bàn giao là ở chui, ở bất hợp pháp dù chúng tôi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ cần thiết của cư dân".
Không chỉ có trường hợp của chị K.V, đa số người dân sống tại KĐT Ngoại giao đoàn đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được sổ hồng. Nhiều người bày tỏ bất ngờ khi tìm hiểu được lý do thực sự khiến họ không thể nhận được sổ hồng.
"Chúng tôi không nhận được sổ hồng do chủ đầu tư cấp 2 chưa được công nhận. Điều này khiến chúng tôi rất ngờ vì chuyển về sống mấy năm giờ mới biết điều này" - bà Kim Dung - người dân KĐT Ngoại Giao Đoàn bức xúc.
Trường hợp tương tự, chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) lâu nay tai tiếng với nhiều bất cập. Dù chuyển về sống hơn 2 năm nhưng cư dân nơi đây vẫn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với chủ đầu tư vì không được cấp sổ hồng, bàn giao quỹ bảo trì đúng hạn.
Anh Hoàng Văn Phong, một cư dân ở chung cư Athena Complex Xuân Phương tỏ ra bức xúc: “Dù tôi và nhiều hộ dân ở đây kiến nghị, phản ánh nhưng mọi việc vẫn không tiến triển. Chúng tôi ở nhà của mình nhưng mọi quyền lợi về nhà ở như giấy tờ thì không có”.
Trao đổi với PV Lao Động, bà Đỗ Thị Hằng - Trưởng ban Quản trị Chung cư Athena Complex Xuân Phương thừa nhận đã 2 năm nay cư dân vẫn chưa nhận được sổ hồng.
Cùng chung cảnh ngộ, cả trăm cư dân mua nhà ở xã hội tại chung cư An Bình Tower (ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, phải bỏ vài trăm triệu cùng với tiền vay từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ. Nhưng đã ở gần 5 năm, song không căn hộ nào được cấp sổ và cũng không biết đến bao giờ mới được cấp.
Thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng cuộc sống người dân
Trao đổi với Lao Động, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT - cho rằng, việc chậm cấp sổ hồng tạo ra nhiều hệ lụy, thậm chí làm giảm nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước.
"Như tại TPHCM, theo số liệu thu ngân sách nhà nước, số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm liên tục kể từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, thu được 16.493 tỉ đồng, giảm 21,2%; năm 2019 thu được 14.650 tỉ đồng, giảm 11,2%; 8 tháng đầu năm 2020 chỉ thu được 4.453 tỉ đồng, giảm đến 52% so với 8 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể hơn, tỉ trọng thu tiền sử dụng đất của thành phố trong 5 năm vừa qua chỉ ước đạt 3-5% tổng thu ngân sách, trong khi 5 năm trước nữa tỉ trọng này chiếm 9-10%. Như vậy, việc chậm cấp sổ hồng không chỉ gây bức xúc cho chủ căn hộ chung cư, gây khó cho chủ đầu tư dự án, mà còn gây thiệt hại cho thu ngân sách nhà nước" - GS Đặng Hùng Võ phân tích.
Trong khi nhà nước thất thoát ngân sách, những cư dân không được cấp sổ hồng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. "Những người mua để ở thì ít chịu ảnh hưởng, nhưng nếu đầu tư vào đây, hoặc muốn thế chấp, vay vốn làm ăn, mua bán hay con cái đi học nước ngoài... thì bất tiện vô cùng.
Ai ở cũng muốn có sổ hồng để yên tâm. Có thì việc trao đổi, mua bán cũng sẽ với mức giá khác. Bản thân tôi năm 2019 định vay ngân hàng để mua một căn hộ khác, tôi lấy hợp đồng đi đặt cọc thì ngân hàng báo không đủ điều kiện"- Chị Đỗ Dung - cư dân KĐT Ngoại Giao đoàn nói.
"Bắt bệnh" để "chữa" đúng cách
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã chỉ ra một số trường hợp phổ biến dẫn đến việc chậm cấp sổ cho người dân.
"Trong những năm qua, tình trạng người mua nhà đã được giao nhà và sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở diễn ra phổ biến. Lý do chủ yếu là do chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước, tức là đã bán nhà cho người dân, đút tiền vào túi rồi mà lại lãng quên việc nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước; đây là một điều rất tệ của một số chủ đầu tư.
Ngoài ra, một số công trình còn vi phạm về trật tự xây dựng, Nhà nước cho phép xây một, nhưng chủ đầu tư lại xây lên đến hai và một số những vi phạm khác cho nên dẫn đến việc không được cấp “sổ hồng” cho người dân.
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình tại một địa phương có biểu hiện buông lỏng, dẫn đến những “chuyện đã rồi”, đến khi Nhà nước thẩm định thì lại không cấp được" - luật sư Trương Anh Tú nói.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, việc chậm cấp sổ hồng tại các khu chung cư liên quan đến trách nhiệm chủ đầu tư trong việc hoàn công. "Nhiều chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép, không hoàn công. Thậm chí họ không nộp tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi đó nhiều hợp đồng không cam kết về khoản phạt do chậm hoàn thiện sổ cũng là điểm khó cho người mua nhà".
Còn theo GS Đặng Hùng Võ, việc cấp sổ hồng hiện đang bị lùng bùng trong mối quan hệ tay ba giữa chính quyền, nhà đầu tư dự án chung cư và người mua căn hộ. Một mối quan hệ phức tạp đến nỗi khoảng 10 năm nay không thoát ra nổi.
Báo xây dựng