Nhu cầu về nhà ở tại một số thành phố lớn là không hề nhỏ. Tuy nhiên, mức giá hiện nay đã quá cao so với tầm tay của nhiều người. Năm 2021, người dân trông chờ vào giá nhà 25 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản năm 2020 đã khép lại sau nhiều biến động và ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong năm 2020, cũng ghi nhận sự tăng giá của bất động sản nhà ở của nhiều phân khúc. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở hiện nay tại một số thành phố lớn là rất cao. Trong đó, nhu cầu về nhà giá rẻ luôn nóng hổi.
Chị Lê Mai Ngọc (27 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) chia sẻ, đang trông chờ vào các chính sách của Nhà nước về giá nhà ở hiện nay. Đặc biệt, chờ mua nhà giá rẻ và các dự án nhà ở xã hội trong năm 2021.
Giá nhà ở hiện nay tại các thành phố lớn đã vượt quá khả năng của người lao động
Theo chị Mai, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng thì chị chỉ có thể đủ sức mua nhà giá rẻ hoặc nhà ở xã hội.
"Tôi cũng cố gắng hướng đến phân khúc khác, tuy nhiên dịch bệnh trong năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. Giờ đây, tôi và nhiều người có thu nhập thấp khác chỉ còn kỳ vọng vào nhà ở giá rẻ để có thể an cư lạc nghiệp…", chị Mai chia sẻ.
Tượng tự, anh Hoàng Văn Khang (33 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho hay, công việc hiện nay là chạy xe tải và đã mưu sinh ở TPHCM được gần 10 năm. Tuy nhiên, với mức thu nhập của cả gia đình hiện nay không quá 15 triệu đồng/tháng, dù đã tích góp nhiều năm qua, nhưng gia đình anh Khang vẫn chưa thể có nhà.
Theo anh Khang, giá nhà hiện nay là quá sức đối với những gia đình có thu nhập thấp như anh. Thậm chí, giờ ra khu vực vùng ven, các tỉnh giáp TPHCM cũng khó mua nhà nữa chứ đừng nói gì nói đến mua nhà ở bên trong TPHCM. Nếu như thời gian tới, Nhà nước có điều chỉnh được giá nhà rẻ thì may ra người lao động mới có cơ hội mua được.
Tại một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong thời gian gần đây thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng lệch pha. Nhiều dự án nhà ở mới chậm được phê duyệt, chậm triển khai. Tình trạng này khiến cho nguồn cung nhà ở hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ.
"Điển hình là phân khúc nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không còn trên địa bàn TPHCM và Hà Nội. Điều này khiến khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân còn hạn chế", ông Hà nói.
Theo ông Hà, nguồn cung khan hiếm trong khi cầu tăng cao làm cho giá nhà ở tăng mạnh. Tại TPHCM, giá căn hộ vào thời điểm quý III/2020 tăng từ 15-20% so với quý II/2019. Đối với phân khúc tầm trung tăng hơn 100% từ quý IV/2018 đến quý IV/2020.
Nói về giải pháp để có nhà giá 25 triệu đồng/m2, chuyên gia tài chính TS Võ Trí Thành cho rằng, cần phải có nhiều chính sách để tạo động lực cho các định chế tài chính tạo dòng vốn tốt hơn cho thị trường bất động sản. Đồng thời cần quan tâm đến nhà cho thuê chứ không chỉ là nhà bán để người nghèo dễ tiếp cận.
Người lao động đang trông chờ vào nhiều chính sách về giá nhà ở của Nhà nước để có thể "an cư lạc nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cho rằng, hệ thống pháp luật còn thiếu và mâu thuẫn nên khó khăn cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở. Để phát triển nhà ở thì 5 năm tới phải hoàn thiện thể chế. Chính phủ vẫn quyết tâm phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách theo hướng hỗ trợ người hưởng thụ nhà ở hơn là nguồn cung.
Ông Khởi cho rằng, hiện nay, nhà ở giá rẻ rất ít, thậm chí toàn trên 30 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, trong 5 năm tới sẽ tập trung cải tạo chung cư cũ và sẽ phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Cụ thể, giá thấp ở đây được áp dụng theo từng giai đoạn theo giá thị trường. Dự kiến, giá ở thành phố lớn là dưới 25 triệu đồng/m2, diện tích khoảng 70m2...
Báo xây dựng