Sau hơn 6 năm triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG), bước đầu đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai cũng như thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Với kỳ vọng xây dựng Hệ thống thông tin đất đai quốc gia, bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ quản lý đất đai theo nhu cầu, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản hiệu quả, minh bạch - ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án VILG, thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trên cơ sở đó gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023.
Dự án VILG sử dụng vốn vay từ Ngân hàng thế giới, ban đầu có 33 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia, nhưng sau điều chỉnh, phạm vi dự án giảm xuống còn 30 địa phương. Đến ngày 9/2/2023, tiếp tục có 1 tỉnh đề nghị không tham gia dự án.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 2/2023 (tức sau hơn 6 năm triển khai), có 222/237 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố tham gia dự án đã và đang triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; số còn lại 11/237 huyện chuyển đổi dữ liệu dự kiến ký hợp đồng trong quý 1/2023.
Về tiến độ hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cho biết tính đến hết năm 2022, có 126/237 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai với đầy đủ 4 thành phần (cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu thống kê kiểm kê đất đai, cơ sở dữ liệu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu giá đất).
Bên cạnh đó, có 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án hoàn thành việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; 24/30 tỉnh, thành phố kết nối liên thông thuế điện tử; 18/30 tỉnh kết nối hệ thống 1 cửa điện tử…
Đánh giá về tiến độ triển khai dự án trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết sau một thời gian triển khai, bước đầu, dự án đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, thống nhất;
Đặc biệt cần kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất nền với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến.
Tuy vậy, ông Ngân cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án cần khắc phục như: Công tác giải ngân còn thấp và khối lượng công việc cần phải thực hiện còn nhiều;
Bên cạnh đó quá trình triển khai dự án VILG gặp nhiều khó khăn do những điều chỉnh về cơ chế tài chính, lúng túng trong thực hiện các quy định của nhà tài trợ; năng lực của các Ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.