Thực tế, khi lãi suất còn thấp (khoảng trước năm 2022), mức vay 50-70% giá trị tài sản để đầu tư bất động sản khá phổ biến. Nhưng hiện nay, mức vay 50-60% giá trị tài sản có thể khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao. Do đó, không ít nhà đầu tư đang phải cơ cấu lại tỷ trọng vốn vay theo hướng giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của DKRA Vietnam cho rằng, những năm trước, khi thị trường nhà đất sôi động, lãi suất ở mức thấp, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, sau đó không có khả năng trả nợ sẽ bán ra, chấp nhận lỗ là bán được.
Tuy nhiên, hiện nay, thanh khoản trên thị trường thứ cấp sụt giảm, đa số nhà đầu tư bị kẹt hàng.
Cá biệt, những người đang chịu áp lực trả lãi vay không dễ dàng bán cắt lỗ.
Còn theo bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận Định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, ước tính, khoảng trên 50% nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản, nếu tiếp tục vay thì chi phí vốn tăng cao, còn muốn bán thì lại không bán được.
Theo bà Dung, nhà đầu tư có lựa chọn cuối cùng là trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt từ chủ đầu tư còn lớn hơn chi phí họ tiếp tục gồng để đi vay tiếp.
Đây là điểm tắc nghẽn và hậu quả là buộc phải bán sản phẩm dưới giá đã mua, khi đó thị trường sẽ giảm giá.
Chuyên gia bất động sản khuyến cáo, nhà đầu tư nên cơ cấu khoản vay về mức 30% giá trị tài sản, việc sử dụng đòn bẩy tài chính phải cân đối trong khả năng dòng tiền ổn định, có thể trả lãi và nợ gốc ngân hàng hàng tháng.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần tăng khoản dự phòng trong tình hình lãi suất tăng cao, kinh tế khó khăn.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.