Sáng nay, 29/7, chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi kiện toàn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng và tiến độ sửa Luật.
Thể chế hoá nhiều vấn đề mới
"Bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương", ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho tổ biên tập, cho biết. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;
Đồng thời cần quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất;
Đặc biệt có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.
Dự thảo Luật bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai do thực hiện quy hoạch, dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã thể chế chủ trương "Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất" thông qua bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm xây dựng dự thảo Luật là thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết 18, cũng như các nghị quyết khác của Đảng với 7 nhóm chính sách lớn. Luật phải quyết, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, "đưa thực tiễn đi vào luật".
Bảo đảm chất lượng và tiến độ sửa Luật Đất đai
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, do đó sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ rất khó khăn.
Luật Đất đai đã nhiều lần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển. Kể từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi.
Mỗi lần sửa đổi, điều chỉnh thì các quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Cũng qua quá trình thực hiện Luật, thì lại xuất hiện tồn tại, hạn chế, thậm chí có quy định lạc hậu, cản trở sự phát triển, cần phải sửa đổi.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Bộ TN&MT, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Luật. Ngay sau khi Trung ương có nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, Bộ đã thành lập ban soạn thảo gồm 57 người là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2022. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ có yêu cầu về tiến độ, mà "phải hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất".
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.