• Sở hữu 3 căn hộ mà không được vào ở

Sở hữu 3 căn hộ mà không được vào ở

Ngày cập nhật: 12/3/2021 » Thị trường nhà đất

Sau hàng loạt xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, hiện không ít tranh chấp chuyển sang với ban quản trị tòa nhà. Có sự vụ kéo dài suốt 10 năm.

Trước những xung đột, tranh chấp diễn ra tại các chung cư liên quan đến sự điều hành bất ổn của ban quản trị dự án trong những năm gần đây, hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 11/3 nhằm tạo cơ hội cho cư dân, đại diện các chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.

Xuất hiện trong buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Châm, (77 tuổi), cư dân tại khu căn hộ Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) chia sẻ về hoàn cảnh của mình.

"Tôi có trong tay đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu 3 căn hộ nhưng vẫn không được vào nhà của mình do Ban quản lý chiếm giữ. Đây là năm thứ 5 tôi đi đòi quyền lợi của mình, phải đi thuê nhà trong suốt 4 năm qua. Có lẽ tôi sẽ chết trước khi đòi lại được nhà", bà Châm bật khóc khi chia sẻ về hoàn cảnh của mình.

Mua nhà tiền tỷ nhưng vẫn phải ở trọ

Bà Châm kể nhận bàn giao nhà vào ngày 10/7/2017 và mời các công ty thiết kế nội thất xem xét và ký hợp đồng để sửa sang nhà. Bà xuống văn phòng Ban quản lý (BQL) yêu cầu mở nước để thi công nội thất thì Ban quản lý nói sẽ xin ý kiến của Ban quản trị (BQT).

Tuy nhiên, khi bà Châm quay trở lại căn hộ của mình thì BQL khóa cầu thang máy, cho keo vào ổ khóa nhà, thậm chí khóa luôn cả hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm. Bà Châm không vào nhà của mình được từ đó cho tới nay.

Về sự việc này, trao đổi với Zing, đại diện BQL chung cư Phú Hoàng Anh cho biết việc bỏ nút bấm thang máy tầng 2 và khóa thang bộ thoát hiểm do BQL cũ thực hiện sau đó bàn giao lại cho BQL mới. Chính vì vậy, họ không có cơ sở để giải quyết trường hợp này.

Có mặt trong buổi toạ đàm, đại diện Sở Xây dựng - ông Nguyễn Mạnh Hùng - khẳng định, sau khi phối hợp cùng Sở TNMT TP.HCM rà soát, kết quả cho thấy việc cấp sổ hồng nhà cho bà Nguyễn Thị Châm hoàn toàn đúng pháp luật. Ai gây cản trở việc sở hữu nhà của bà Nguyễn Thị Châm là hành vi trái pháp luật.

Cư dân trong dự án căn hộ Phú Hoàng Anh tại huyện Nhà Bè phản ánh nhiều bất cập trong đội ngũ BQT. Ảnh: Lê Quân.

Cũng có vấn đề trong việc tranh chấp với BQL tòa nhà, bà Đỗ Thị Ngọc Oanh - chủ căn hộ tại chung cư Central Garden (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) - cho biết các cư dân tại đây có nhiều bất đồng với chủ đầu tư cũ cũng như ban quản lý tòa nhà, đây là nỗi niềm dai dẳng của họ trong suốt 10 năm qua.

"Khi mua nhà, chúng tôi là những 'khách hàng yêu quý', nhưng khi vào sinh sống, chúng tôi thành những cư dân bị bắt nạt", bà Oanh nhấn mạnh. Theo bà, BQL tòa nhà trong 3 năm qua không tổ chức hội nghị chung cư thường niên, tự mang danh cá nhân để ký các hợp đồng mà không thông qua BQL.

"Thậm chí, khi chúng tôi yêu cầu tổ chức hội nghị chung cư, BQL còn tự biên soạn dự thảo đưa ra quy định phải nộp tiền mới được đưa ra ý kiến trong các cuộc họp, một cách hành xử rất lộng hành và thiếu minh bạch", bà Oanh thông tin thêm.

Sống trong khu chung cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), ông Nguyễn Tấn Bảo cũng chỉ trích BQL tại đây không công bố hoạt động, thu chi hàng tháng trong 2 năm qua, sử dụng quỹ đóng góp sai quy định cũng như đưa ra các quy định ngang ngược.

Do quy định yêu cầu có sự đồng thuận của 50% cư dân, trong khi khu chung cư chủ yếu là được mua để đầu tư và cho thuê, nên cư dân tại đây không thể kêu gọi đủ số lượng thành viên cần thiết để tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường.

"Đến những xung đột giữa cư dân và quan quản trị (thực tế cũng là những cư dân) còn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn thì nếu có xung đột giữa người dân và chủ đầu tư, những đơn vị có nhiều nguồn lực sẽ được giải quyết như thế nào?", ông Bảo đặt ra vấn đề.

Có mặt tại sự kiện, ông Hà Minh Tân - Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Nhà Bè - cho biết trên địa bàn huyện đã diễn ra một số tranh chấp trong thời gian qua. Các tranh chấp diễn ra bởi nhiều nguyên nhân như một số chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân, mâu thuẫn giữa BQT và cư dân, mâu thuẫn giữa BQT mới và BQT cũ.

"Trong quy định về tranh chấp giữa chủ sở hữu và chủ đầu tư, ban đầu UBND sẽ hỗ trợ hai bên hòa giải, trong trường hợp không giải quyết được sẽ đưa ra tòa án. Đối với mâu thuẫn giữa cư dân và BQT, UBND cũng sẽ hỗ trợ tổ chức hội nghị chung cư lần đầu, bầu BQT công khai, công bố thu chi. Trường hợp không đi đến kết quả sẽ đưa đến cơ quan tòa án giải quyết", ông cho biết.

BQL chung cư còn nhiều bất cập

Với nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, luật sư Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết các tranh chấp giữa cư dân và BQL thường liên quan đến 3 vấn đề chính là việc sử dụng 2% phí bảo trì, vấn đề minh bạch tài chính và tranh chấp sở hữu chung riêng trong khu dân cư.

Thông qua những chia sẻ của nhiều cư dân, luật sư Hoàng Thu cho biết thời gian qua, nhiều người dân đã gửi các văn bản, đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng, tuy nhiên một số đơn vẫn chưa được gửi đến chính xác những người cần tiếp nhận.

Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định hệ thống pháp luật rất đầy đủ và rõ ràng, xuyên suốt các vấn đề, chỉ thiếu trách nhiệm và lương tâm của những người thực hiện.

Buổi tọa đàm với sự có mặt của đại diện các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân và luật sư. Ảnh: BTC.

Chia sẻ dưới góc độ của chủ đầu tư phát triển dự án, ông Nguyễn Trung Tín - Tổng giám đốc An Gia Group - cho biết doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn trong điều hành chung cư đến từ sự hờ hững của người dân khi không tham gia hội nghị nhà chung cư đầu tiên. Bên cạnh đó, không ít BQT cũng có vấn đề, thứ nhất là thiếu năng lực, thứ hai là thiếu trách nhiệm.

Chính vì vậy, ông kiến nghị phía cơ quan Nhà nước cần quy định cụ thể tiêu chuẩn của người làm BQT, cần đào tạo hoặc yêu cầu bằng cấp để họ có đủ năng lực và nhận thực được nghĩa vụ của mình đối với khu dân cư.

Ngoài ra, cần có mức thù lao cho các BQT ở mức xứng đáng, phù hợp để họ xem đây là một công việc chính thức chứ không phải kiêm nhiệm, từ đó bớt đi tư lợi trong thực hiện vai trò của mình.

Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Global Home, đưa ra kiến nghị trong việc quản lý khoản tiền 2% phí bảo trì tòa nhà.

"Các hoạt động thu chi nên được thực hiện toàn bộ qua ngân hàng để thuận tiện trong việc sao kê. Trong đó, quỹ bảo trì nên được lập thành một tài khoản riêng và phong tỏa trong 1 năm đầu, gửi tiết kiệm với lãi suất 8-9%", ông Thành cho biết.

"Sau khi chung cư công nhận BQT, chủ đầu tư mới làm thủ tục hành chính chuyển giao cho BQT trên hình thức giấy tờ thay vì đưa tiền tươi. Đồng tiền của quỹ bảo trì 2% này không bao giờ thấy được mặt trời", ông Thành nhấn mạnh.

Nhadat24h.net - Theo báo xây dựng