Để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ, lãnh đạo HoREA cho rằng không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng khi tính “hệ số sử dụng đất”.
|
Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM hình thành xu thế phổ biến người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng. |
Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần có các quy định chi tiết và cụ thể hơn về tầng lánh nạn chung cư.
Lãnh đạo HoREA cho rằng, tòa nhà có chiều cao từ 100 - 150m thường có khoảng 30 - 50 tầng. Chiều cao thông tầng tính từ mặt sàn đến mặt sàn thường khoảng 3,9m - 4,3m. Theo quy định tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng thì tòa nhà phải có 1 hoặc 2 tầng lánh nạn, tùy theo chiều cao tòa nhà,
Tầng lánh nạn có thể bao gồm “gian lánh nạn”, không bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại, sẽ dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, giảm quy mô dân số của dự án.
Từ đó, theo HoREA, dẫn đến làm tăng giá bán căn hộ và làm tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác, mà người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp phải gánh chịu khi mua nhà và diện tích kinh doanh của dự án.
Do vậy, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, lãnh đạo HoREA cho rằng không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính “hệ số sử dụng đất” và nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.
Lãnh đạo HoREA kiến nghị, đối với nhà có chiều cao từ 100 - 150 m, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 2.9.1, 2.9.2 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD), cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn, đáp ứng các yêu cầu sau: Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Nhà có 30 - 40 tầng bố trí 1 tầng lánh nạn; nhà có 41-50 tầng bố trí 02 tầng lánh nạn.
Trong đó, không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ, văn phòng trên tầng lánh nạn. Không cho phép bố trí các hoạt động thương mại trên tầng lánh nạn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng: Nhà nước rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, trước hết là ưu tiên công tác cứu hộ và cứu nạn. Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và nhiều quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cứu hộ và cứu nạn, đặc biệt là đối với các tòa nhà cao tầng đã được ban hành. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay ngày càng có nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó, có những tòa nhà có chức năng hỗn hợp, khu căn hộ cao hơn 460m.
Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã hình thành xu thế của người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng. Vấn đề trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm để đến được tầng lánh nạn, gian lánh nạn được chuyên gia đánh giá rất cần thiết. Bởi lẽ, trong các vụ cháy xảy ra tại nhà chung cư, thì bị ngạt khói do thiếu kỹ năng thoát hiểm là nguyên nhân hàng đầu.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành, công bố quy chuẩn PCCC mới cho các công trình cao tầng. Quy định này có hiệu lực từ 1/7/2020, áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng.
Theo quy chuẩn 06:2020, chủ đầu tư dự án nhà cao tầng phải có thiết kế cụ thể thang thoát nạn chống khói theo đúng quy định, phải lắp đặt hệ thống nước phục vụ chữa cháy, thiết kế đường chữa cháy quanh tòa nhà phục vụ xe chữa cháy khi xảy ra sự cố. Đồng thời, cứ 20 tầng cao sẽ có 1 tầng lánh nạn cho cư dân, diện tích tầng lánh nạn phải được thiết kế tương đương số cư dân sống trong tòa nhà.
https://baoxaydung.com.vn/tang-lanh-nan-chung-cu-lo-gia-nha-them-cao-chuyen-gia-hien-ke-cach-ha-291508.html