Liên quan đến vấn đề thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Quốc hội đã cho ý kiến lần 1 với 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ Xây dựng xác định đây là các bộ Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của ngành Xây dựng, các Sở, cơ quan chuyên môn và địa phương.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quan tâm đến nhóm chính sách đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đây là vấn đề còn gây lúng túng vì có nhiều quy định pháp luật chồng chéo.
Bộ Xây dựng rất mong muốn xây dựng được các quy định rõ ràng, thông thoáng, đồng bộ, không bị chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Từ đó tạo điều kiện hoàn thành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành tiếp tục quan tâm, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Các địa phương cần có sự vào cuộc, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm sẽ có thêm nhiều dự án được bán ra thị trường.
Về phía các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, cần tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình đầu tư các dự án.
Phát biểu chỉ đạo về nội dung phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo chăm lo nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, người lao động.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đặc biệt là các Nghị định hướng dẫn kèm theo.
Việc tập trung nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tăng cường làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp, chính sách mới để triển khai tốt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Các Sở Xây dựng cũng phải tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong xây dựng nhà ở xã hội.
Trong thời gian tới, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án nhà đất cho các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.