• Thị trường bất động sản năm 2022: Nhiều khó khăn, nhưng không ít thuận lợi

Thị trường bất động sản năm 2022: Nhiều khó khăn, nhưng không ít thuận lợi

Ngày cập nhật: 26/11/2022 » Thị trường nhà đất

Trải qua gần 11 tháng của năm 2022, thị trường BĐS đã và đang đối diện với hàng loạt khó khăn trước: Biến động của kinh tế và thị trường thế giới; Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát; dòng tiền vào thị trường bị siết chặt, nên khan hiếm nguồn cung; hành lang pháp lý đang sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với thị tường…

Hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng, không có doanh thu và chờ đợi những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của Nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2022, cơ cấu sản phẩm nhà đất có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của người dân, hàng tồn kho trên thị trường chủ yếu là bất động sản cao cấp, đắt tiền, giá bất động sản bị đẩy lên cao, không phù hợp với khả năng thanh toán cũng như nhu cầu của người dân;

Trong khi giá đầu vào nguyên vật liệu, nhân công tăng cao và nhất là dòng vốn – “mạch máu” của thị trường hạn chế.

Thực tế, trong 3 quý năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường, giao dịch tương đương khoảng 20% so với năm 2019.

Điều này khiến các doanh nghiệp BĐS hiện nay đều có chung tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, vốn của nhà đầu tư góp…

Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí cho nghỉ việc số lượng lớn lao động.

Theo thống kê mới nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, các đơn vị môi giới có khoảng trên 100.000 nhân viên đã phải ngừng việc, chuyển việc, đi tìm các ngành nghề khác.

Còn theo Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS có nhiều thời cơ và thách thức đan xen.

Nhu cầu BĐS vẫn còn lớn, nhất là BĐS nhà ở. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 40%, nhưng mỗi năm con số này tăng 1%, tương đương khoảng 1 triệu người cần có nhà ở.

Mặt khác, thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, nhà đầu tư thường chờ dịp này để đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn như:

Rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách thông qua việc sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Do đó, những vướng mắc về pháp lý của các dự án trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tháo gỡ nhanh hơn.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.