Thời gian qua được xem là quãng thời gian bão tố của dòng phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng. Mặc dù có nhiều dự báo về những "tia sáng cuối đường hầm" nhưng dường như dòng tiền đầu tư vẫn còn đang lưỡng lự.
Câu chuyện "sụp đổ" của Cocobay vẫn là bài học khiến cho nhà đầu tư dòng căn hộ condotel nhiều lưỡng lự. Ảnh: Minh Tú
Theo dự báo của bộ phận nghiên cứu thị trường công ty DKRA Vietnam, trong quí 2/2020, ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung có thể lên đến khoảng 200-300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600-800 căn đối với condotel. Các nhà đầu tư được cho là đang quay lại với phân khúc này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt và du lịch được dự báo nhanh chóng phục hồi trở lại nhưng sức tiêu thụ vẫn rất chậm.
Các chuyên gia nhận định chính sách pháp lý thuận lợi và các dự án chất lượng tốt sẽ trở thành bộ khung vững chắc cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch. Cụ thể mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở cho một số loại hình mới gồm condotel, biệt thự du lịch, officetel...
Dù pháp lý dần hoàn thiện và đưa ra dự báo tăng trưởng trong thời gian tới, nhưng nhiều nhà đầu tư đang có ý định đầu tư condotel cũng tỏ ra băn khoăn về các yếu tố rủi ro phát sinh.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên tư vấn đầu tư cao cấp của CTCK VCSC, việc hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho condotel trong văn bản mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra chỉ giải quyết được vấn đề đẩy nhanh tốc độ phát triển dự án, bán sản phẩm của chủ đầu tư cho khách hàng chứ không thể giải quyết được việc condotel đi vào hoạt động có sinh lời hay không. Đây mới là bản chất khiến cho thị trường condotel gần như sụp đổ trong thời gian qua.
Trước và trong thời gian dịch bệnh, một số chủ đầu tư lớn trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã không thể giữ nổi cam kết khiến cho tranh chấp xảy ra trên diện rộng như trường hợp hợp Cocobay ở Đà Nẵng và mới đây là FLC Homes đã có văn bản gửi đến khách hàng thông báo hoãn thời gian chi trả cam kết lợi nhuận. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề về khả năng hồi phục thật sự của condotel.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã văn phòng luật DBS, câu chuyện pháp lý của condotel vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn. Ngay chính Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định việc này không giống như cấp sổ đỏ cho căn hộ chung cư. Vì thế, condotel là loại hình pháp lý nào thì cũng còn chưa rõ, pháp lý của loại hình này vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết đối với từng cá nhân nên khiến cho nhà đầu tư cảm thấy lo lắng khi ở thế bị động.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận xét thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khó khăn chủ yếu do một số dự án đầu tư không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, đến nay pháp lý của condotel đã được xác định, cơ quan quản lý đã có ý kiến cấp sổ đỏ có thời hạn cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp. Đây là chính sách tốt giúp nhà đầu tư condotel đón đúng điểm rơi khi du lịch phục hồi. Các chủ đầu tư lớn cũng hướng tới sự phát triển bền vững thông qua các dự án uy tín, nhiều nơi chỉ cam kết lợi nhuận ở mức hợp lý hơn. Điều này ít nhiều sẽ hỗ trợ cho thị trường lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/thi-truong-condotel-cham-phuc-hoi-sau-nhieu-cu-soc-282918.html