• Thị trường nhà đất rơi vào tình cảnh trầm lắng?

Thị trường nhà đất rơi vào tình cảnh trầm lắng?

Ngày cập nhật: 10/7/2022 » Thị trường nhà đất

Hơn 3 tháng nay, anh Trần Văn Tùng (một môi giới bất động sản) không chốt được khách nào nhưng vẫn tốn kém hàng triệu đồng vì chi phí xăng xe đi lại, điện thoại, chạy quảng cáo…

Đang là nhân viên môi giới tại một dự án ở khu vực Bắc Ninh, anh Tùng thường xuyên phải đi về trong ngày với quãng đường hơn 10km. Anh cho hay, nhiều tháng nay, thị trường bất động sản chững lại.

Dự án biệt thự liền kề công ty anh phân phối không có khách nào hỏi mua. Trong khi đó, để duy trì công việc, anh Tùng vẫn phải qua lại dự án từ sáng sớm tới tối mịt mới về.

Chưa kể, tiền điện thoại cho khách, chi phí chạy quảng cáo trên một số mạng xã hội.

“Thị trường đang khó khăn, người mua ít. Tôi cũng đang tính bỏ nghề vì không còn tiền để bám trụ. Tôi đang cố nốt thêm 1 tháng xem có tiến triển gì hơn không”, anh Tùng cho hay.

Anh cho hay, môi giới bất động sản sống bằng tiền hoa hồng, lương hỗ trợ từ công ty chỉ có 3 triệu đồng/tháng. Thời gian qua không có giao dịch nào, anh Tùng phải tiêu cả vào tiền tiết kiệm trước đó.

Nói về nguyên nhân nhà đất trầm lắng, anh Tùng cho rằng, giá bất động sản đã bị đẩy lên quá cao.

Đơn cử, sản phẩm biệt thự tại dự án mà anh Tùng đang bán đều có giá hơn trên 10 tỷ đồng/căn, liền kề thì 7-8 tỷ đồng/căn.

Phần lớn người mua để đầu tư, nên khi mức giá lên cao, không có hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng sẽ ngay lập tức giảm thanh khoản.

“Nguồn cung các sản phẩm biệt thự, liền kề vùng ven Hà Nội liên tục ra hàng, nhưng giá cao khiến cho thanh khoản giảm mạnh”, anh Tùng cho hay.

Giai đoạn điều chỉnh

Theo các chuyên gia, sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Trong 2 tháng qua, thị trường lộ rõ sự hạ nhiệt và càng ngày sẽ càng rõ ràng hơn. Đây là thời điểm khiến nhiều nhà đầu tư ám ảnh.

TS. Sử Ngọc Khương nhận định, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên, thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, Phạm Đức Toản, giám đốc công ty bất động sản cho rằng, những nhà đầu tư đã ôm hàng ở đỉnh gặp áp lực tài chính sẽ có xu hướng giảm giá hoặc bán cắt lỗ. Giá bất động sản sẽ có xu hướng đi xuống, tuy nhiên biên độ xuống không nhiều.

TS. Sử Ngọc Khương khuyến nghị, các nhà đầu tư, trước khi quyết định "xuống tiền", cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó.

Khoản tiền này sẽ là hợp lý nếu được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.