Bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, hiện trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản trong vài năm trở lại đây với quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Dù là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian qua vẫn bộc lộ những bất cập cần kiểm soát.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Fiin Group, chia sẻ thống kê từ 54 doanh nghiệp bất động sản niêm yết hiện có số dư cho vay khoảng 435.000 tỷ đồng cho thấy con số này rất lớn, tương đương 50% tổng tín dụng vào nhà đất.
Ngoài ra, còn có cả vốn tín dụng quốc tế với số dư huy động khoảng 4 tỷ USD.
Điều này cho thấy trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ, rủi ro tại thị trường bất động sản Việt Nam tăng lên và vẫn có nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng rót vốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, trên thực tế, tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản không lớn, chỉ chiếm 14%, còn lại là từ khách hàng, đối tác.
Để đánh giá đúng về tín dụng bất động sản, vẫn cần một góc nhìn rộng hơn, không chỉ room tín dụng, không chỉ trái phiếu doanh nghiệp mà là toàn bộ cơ chế tín dụng trong lĩnh vực này...
Theo ông Thuân, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam đã giảm sút mạnh trong nửa đầu năm nay nhưng không đóng băng. Chất lượng tín dụng doanh nghiệp bất động sản trong nước vẫn rất ổn với mức độ đòn bẩy nói chung chưa đến 1,5 lần.
"Nếu tính cả đòn bẩy từ đối tác kinh doanh, con số này vẫn khoảng 1 lần, thấp hơn khá nhiều khi so sánh với thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, mức lợi nhuận gộp của chủ đầu tư Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc, đây là dự địa quan trọng để các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam “co giãn” khi có biến cố," ông Thuân phân tích.
Thế nhưng, theo chuyên gia này, điểm đáng lo ngại là vòng quay hàng tồn kho bất động sản. Hiện vòng quay hàng tồn kho bất động sản đã tăng lên 1.500 ngày, tương đương với lượng hàng đang có trên thị trường hiện nay phải 4 năm mới hấp thụ hết.
Con số này tương đương với thị trường Trung Quốc là những rủi ro đáng lo ngại.
Điểm tích cực được ghi nhận hiện nay là nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, qua đó giảm đáng kể áp lực vỡ nợ dây chuyền.
Dưới một góc nhìn khác, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đối với thị trường bất động sản là việc kiểm soát tín dụng, dẫn đến tình trạng các ngân hàng hạn chế cho cả doanh nghiệp và người mua nhà vay vốn.
Theo phân tích của ông Lực, năm nay, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, lý do chính là bởi kinh tế phục hồi tương đối tốt.
Dòng tiền trước đây đổ vào bất động sản, chứng khoán nhiều, nay đã quay trở lại lĩnh vực sản xuất nhiều hơn. Đây là một điều tích cực.
Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát tương đối chặt chẽ sau một vài vụ việc gần đây nên một phần vốn dồn sang phần tín dụng ngân hàng. Bằng chứng là mức tăng hơn 9,3% nửa đầu năm nay là mức tăng nóng, chuyên gia này viện dẫn.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.