Nhiều phân tích cho thấy khối bất động sản đã “ngốn” lượng vốn không nhỏ của nền kinh tế dẫn đến cơn “khát” vốn ở thời điểm hiện tại.
Song, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đã được thống đốc NHNN đề ra từ đầu năm là 14%.
Trong 8 tháng qua, toàn quốc tăng trưởng tín dụng ở mức 9,3%, như vậy, còn lại 4,7 điểm %.
Với 4,7 điểm % trên tổng dư nợ hiện nay, cả nước còn khoảng 450.000 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Theo ông Minh, dù không thay đổi mục tiêu này, các ngân hàng, định chế tài chính vẫn không thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Phản hồi lại phía ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, mục tiêu 14% tăng trưởng tín dụng là con số buồn chứ không vui, cần nới thêm 1-2% bởi các NHTM đã gần cạn room.
Nên ưu tiên nới room với nhóm ngân hàng Big 4, sau đó là ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II khác. Làm vậy để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định, quy mô tín dụng ở Việt Nam đang ở mức 125% GDP, tương đối cao so với mức độ phát triển của nền kinh tế.
Với tổng dư nợ tín dụng khoảng 11,4 triệu tỷ đồng, ước tính, nếu tăng trưởng tín dụng 14%/năm thì có 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng được cấp cho nền kinh tế mỗi năm.
Đây là tốc độ tăng trưởng tín dụng, huy động vốn trong khoảng 6 năm qua.
Năm nay, thấy rõ tốc độ huy động vốn của khối ngân hàng chậm hơn, trong khi tín dụng lại tăng trưởng nhanh.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cơ bản đã hết, đang chờ cấp bổ sung.
Hy vọng, trong tháng 9, NHNN sẽ sớm cân nhắc, có sự điều chỉnh phù hợp. Nếu không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Có thể thấy, câu trả lời “hết room tín dụng” mà giới DN nhận được từ phía các ngân hàng đang đặt lãnh đạo NHNN vào thế sớm cân nhắc quyết định nới room tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đặt câu hỏi, nới room lúc này có “phá” kinh tế vĩ mô không?
Lạm phát là hệ quả nhưng lo ngại thâm dụng vốn trong nền kinh tế mới là điều đáng bàn.
Một mặt, NHNN cần giữ room tín dụng để phát triển kinh tế ổn định; mặt khác, áp lực từ thị trường bất động sản nên buộc phải nới room để cứu nền kinh tế.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.