• Thúc đẩy thị trường nhà đất hồi phục và phát triển

Thúc đẩy thị trường nhà đất hồi phục và phát triển

Ngày cập nhật: 17/2/2023 » Thị trường nhà đất

Để giúp thị trường bất động sản (BĐS) đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cần nhiều giải pháp và việc động bộ các giải pháp sẽ tạo động lực thúc đẩy sự hồi phục và phát triển thị trường này.

Thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 11% GDP và là lĩnh vực có quan hệ hữu cơ với rất nhiều ngành kinh tế khác.

Nó có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển và đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, du lịch.

Mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách".

Nhóm nghiên cứu đề tài nêu bật sự đóng góp của bất động sản thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: Xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...

Bên cạnh đó, đề tài còn chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành BĐS sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10% thì GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%.

Tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…

Đơn cử về tác động của BĐS tới những ngành nghề liên quan như ngành thép. Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 10/2022 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm lần lượt 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ.

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), nhà thầu xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít công trình mới được xây dựng do chủ đầu tư hết vốn, nhưng lại khó vay tiền từ ngân hàng.

Để tìm giải pháp tháo gỡ thì chúng ta phải nhận diện được nguyên nhân dẫn đến sự "xuống dốc" của thị trường mũi nhọn này từ đâu. Bên cạnh hàng loạt các nguyên nhân tạo ra những khủng hoảng của thị trường BĐS thì hiện nay hai điểm nghẽn chính là sự thiếu hụt dòng tiền và vướng mắc về chính sách pháp lý.

Về vốn, hiện nay DN gặp khó trong tiếp cận vay vốn ngân hàng. Đặc biệt từ nửa cuối năm 2022, dù có tài sản đảm bảo vẫn không vay được do các ngân hàng hết hạn mức.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng vào BĐS. Nhiều khách hàng cũng không được giải ngân dù trước đó đã ký thỏa thuận cho vay, dẫn đến DN không bán được hàng.

Cùng với đó, lãi suất cho vay cuối năm 2022 cũng tăng hai đợt vào tháng 9 và tháng 11 gây thêm khó khăn cho huy động vốn. Đồng thời, DN cũng gặp áp lực với lượng lớn trái phiếu phải đáo hạn cuối 2022 và trong cả 2023.

Tiếp đến những vướng mắc về pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự khó khăn cho phục hồi và phát triển của thị trường BĐS hiện nay.

Theo ước tính của Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA), hiện tại Thành phố có tới hơn 70% khó khăn là từ các vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.