• Tìm

Tìm "đỏ mắt" chẳng thấy nhà giá rẻ ở đâu

Ngày cập nhật: 11/1/2021 » Thị trường nhà đất

Thị trường bất động sản đóng băng vì pháp lý, nguồn cung không chỉ eo hẹp mà giá bán còn leo thang khủng khiếp khiến cho giấc mơ mua được nhà giá rẻ ở đô thị của những người thu nhập thấp ngày càng mờ nhạt.

Phân khúc nhà ở thương mại giá bình dân ngày càng hiếm. Ảnh: Bảo Chương

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM được hơn 6 năm với nguồn thu nhập trung bình. Mong muốn tìm kiếm một căn hộ giá bình dân để có thể có một cuộc sống ổn định của vợ chồng anh chị đang bị dội một gáo nước lạnh sau khi bỏ ra gần nửa năm trời đi khảo sát giá nhà ở khu vực vùng ven TPHCM. Cách đây hơn một năm, khái niệm nhà giá rẻ tại các quận, huyện vùng ven Sài Gòn định hình ở mức giá bán từ 1,5-1,7 tỉ đồng trở lại.

Tuy nhiên, trong năm qua, sau khi 2 vợ chồng đi khảo sát tìm hiểu khắp nơi với các dự án nhà ở mới được chào ra thị trường tại 3 trục đô thị phía Đông, Nam và Tây TPHCM thì đều có mức giá bán vượt lên ngưỡng trên 30 triệu đồng/m2, thậm chí là tiệm cận vùng giá 40 triệu đồng/m2. Điều này đồng nghĩa giá căn hộ bình dân tại TPHCM ngày càng đội giá. Giá bán các căn hộ loại nhỏ nhất dự án, rộng 45-50 m2 bắt đầu nhảy lên vùng giá phổ biến 1,7-2 tỉ đồng/căn. Với số tiền này, nếu ở thời điểm cách đây 5 năm, vợ chồng anh Hoàng có thể mua được căn hộ gần 70 m2. Một số dự án vùng ven có giá rẻ hơn nhưng điều đáng ngại là các dự án này có tiến độ xây dựng rất chậm và nhiều vấn đề tranh chấp về pháp lý.

Theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng TPHCM, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 đã giảm 34% so với năm ngoái, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%. Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng TPHCM nhận định, thị trường bất động sản TPHCM cơ cấu sản phẩm đang cực kỳ mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội. Bởi theo nhu cầu thực tế, tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nhưng thời gian qua, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1% (giảm 98,7%), chiếm tỷ lệ thấp nhất, ngược lại phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9% (tăng 66,2%), phân khúc căn hộ cao cấp tăng từ 25,2% lên 42,1% (tăng 16%). Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ rõ sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.

Sở Xây dựng TPHCM cho biết để đáp ứng nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2030, TPHCM sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Thành phố cũng rà soát, sử dụng quỹ đất 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 hécta để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố. Tại khu vực ngoại thành, thành phố tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc đề ra các giải pháp phát triển nhà ở giá rẻ cần được bàn về các giải pháp cụ thể, đơn cử như sẽ sử dụng tỷ lệ bao nhiêu trong ngân sách, thời gian thực hiện… hơn là chính sách chung. Các doanh nghiệp cho rằng vẫn có thể xây dựng được các căn hộ có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 với việc doanh nghiệp được hỗ trợ về chính sách.

Đơn cử, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế; được huy động vốn từ thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân...

Bên cạnh đó, quan trọng nhất là cần sớm có các gói hỗ trợ tài chính để người thu nhập thấp tiếp cận và có thể mua được chốn an cư vừa sức mình.

Báo xây dựng