Tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM, chung cư xuất hiện ngày càng nhiều. Loại hình này được xem là văn minh ở các nước khác, tuy nhiên ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, xảy ra tranh chấp về quyền lợi giữa chủ đầu tư và cư dân.
Tranh giành sở hữu chung – riêng vẫn diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn thành phố có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ. Tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 10,6 triệu m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn thành phố và đang có xu hướng chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong quá trình phát triển nhà ở.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ lệ 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới. Liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư, thời gian qua Sở Xây dựng TPHCM nhận được 105 trường hợp tranh chấp, đã giải quyết 96 trường hợp.
Một vấn đề thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân là diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng tại toà chung cư. Tại chung cư Kim Tâm Hải (phường Tân Thới Nhất, Quận 12), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Kim Tâm Hải đã xây dựng trên tầng thượng quán cà phê và phòng tập gym với diện tích 385 m2.
|
Quán cà phê, nhà hàng trên tầng thượng của chung cư Kim Tâm Hải "chiếm" không gian chung của cư dân. |
Ông Cao Văn Ngọc, cư dân tại đây cho biết: Quyết định số 129/2009 của Sở Xây dựng TPHCM phê duyệt đầu tư dự án này nêu rõ “sân thượng” là phần sở hữu chung. Ngày 23/4/2020, Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 335 xử phạt hành chính chủ đầu tư đối với sai phạm trên số tiền 45 triệu đồng, buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng không phép nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
“Chủ đầu tư phải tháo dỡ để sân thượng thoáng và làm chỗ sinh hoạt cho bà con ở chung cư. Tôi cũng xin có ý kiến là các ban, ngành của nhà nước cần đôn đốc, quyết liệt giải quyết dứt điểm” - ông Ngọc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Tại chung cư The EverRich Infinity (phường 4, Quận 5) cũng xảy ra tranh chấp tại khu vực tầng hầm giữ xe. Năm 2017 khi chung cư được đưa vào sử dụng, những hộ dân sử dụng ô tô tại đây để xe tại tầng hầm có trả phí hàng tháng là 2,2 triệu đồng/chỗ đậu xe. Đến năm 2019, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt ra thông báo “mời” chủ xe đưa phương tiện ra khỏi hầm để bán ô đậu xe với giá 500 triệu đồng/chỗ đậu xe (chưa bao gồm 2% phí bảo trì và 10% thuế VAT).
Theo Công ty Phát Đạt, điều 11.2 trong Hợp đồng mua bán căn hộ tại đây nêu rõ, chỗ để xe máy và xe đạp thuộc sở hữu chung của cư dân. Chỗ để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư, do đó chủ đầu tư có quyền khai thác kinh doanh. Còn phía người dân, ông Nguyễn Văn Nhất, sinh sống tại đây cho biết không đồng ý với việc Công ty Phát Đạt bán chỗ đậu xe và cư dân đã cử đại diện nộp đơn khởi kiện tại Toà án Nhân dân Quận 10, TPHCM.
“Tôi thấy rằng bức xúc này của người dân nếu như Công ty Phát Đạt không giải quyết được, chính quyền không tham gia giải quyết được thì sẽ còn tồn tại bức xúc lại, và tình hình an ninh trật tự tiếp tục phức tạp. Hiện nay tại bãi xe là đậu vô tội vạ” - ông Nguyễn Văn Nhất nói.
|
Không tìm được tiếng nói chung, Công ty Phát Đạt "khoá" ô đậu xe trong khi chờ bán. |
Luật còn “bỏ ngỏ”
Tranh chấp diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng giữa người dân và chủ đầu tư xảy ra bởi bên nào cũng muốn giành quyền lợi, lợi ích về cho mình. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là không người dân nào khi tìm chốn an cư lại muốn vướng phải kiện tụng, rắc rối. Để tránh phát sinh mâu thuẫn, người dân khi mua bán nhà ở cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng về hợp đồng mua bán.
Đối với chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng cần phải minh bạch thông tin ngay từ đầu: “Chúng tôi thấy rằng chủ yếu hai bên xung đột với nhau về quyền lợi, đồng thời do vấn đề minh bạch thông tin của chủ đầu tư ngay từ đầu. Cho nên chúng tôi đề nghị các chủ đầu tư trong thời gian tới, khi mở bán các căn hộ chung cư thì phải công bố đầy đủ thông tin về dự án”.
Có thể thấy, mặc dù số lượng nhà chung cư ngày càng gia tăng, nhưng các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh loại hình này còn chưa đầy đủ, chặt chẽ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở dĩ còn xảy ra tranh chấp ở nhà chung cư là vì các văn bản quy định các cơ chế vận hành chung cư hiện nay còn thiếu sót rất nhiều. Có trường hợp trong hợp đồng mua bán nhà chung cư, chủ đầu tư không ghi rõ những phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng khiến người mua nhà có nhiều cách hiểu không đúng.
“Tranh chấp nhưng không có căn cứ để giải quyết thì cách thức là đầu tiên phải tiến hành hoà giải, rồi đưa ra mọi biện pháp, phương án còn nếu không đạt được hoà giải thì chỉ còn một cách là kiện ra toà, rồi toà xử thế nào thì mọi người phải theo” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, hiện chưa có những quy định về tranh chấp chung cư một cách cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý. Để giải quyết dứt điểm những tranh chấp, mâu thuẫn về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng, nhà nước cần sớm hoàn thiện, bổ sung những lỗ hổng trong pháp luật về nhà chung cư. Có như thế thì mới tạo được môi trường lành mạnh, vừa giúp chủ đầu tư có cơ sở pháp lý chắc chắn để triển khai dự án, vừa giúp người dân an tâm hơn vì quyền lợi của mình được quy định cụ thể và được pháp luật bảo vệ.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/tim-loi-giai-cho-mau-thuan-tranh-chap-chung-cu-tai-tphcm-288566.html