• Tình trạng cạn

Tình trạng cạn "room" tín dụng đang trở thành rào cản trên thị trường vốn

Ngày cập nhật: 6/8/2022 » Thị trường nhà đất

Để được phê duyệt khoản vay, người dân có nhu cầu tín dụng, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, thường mất nhiều công sức hoặc phải đáp ứng những điều kiện khắt khe từ ngân hàng.

Sau hơn một tháng chạy vạy nộp hồ sơ và tham khảo hàng loạt ngân hàng, Quang Anh - trú tại Hà Nội - mới tìm được một nhà băng ít tiếng tăm chấp thuận giải ngân 1 tỷ đồng với mức lãi suất không mấy hấp dẫn.

“Lãi suất cao hơn nhiều thời điểm trước dịch, các gói vay cũng không có ưu đãi. Tôi đành bấm bụng do cần tiền thanh toán hợp đồng sớm nhất có thể. Sau một loạt thủ tục rườm rà, tôi phải chờ thêm một tháng nữa mới được ngân hàng giải ngân”, anh trần tình.

Ngoài ra, để hoàn thiện quy trình xét duyệt hồ sơ, Quang Anh được nhân viên yêu cầu mua thêm “lạc kèm bia”, tức một hợp đồng bảo hiểm trị giá 40 triệu đồng, tương đương 4% tổng giá trị khoản vay.

Việc các ngân hàng siết chặt tín dụng vay bất động sản cũng như khó tiếp cận nguồn vốn vay có thể tiếp tục diễn ra trong những tháng tới.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ sôi động trong giao dịch bất động sản và đưa thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng.

Bên cạnh đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản của một nguồn uy tín cho thấy đa phần người dùng cảm thấy không hài lòng trước khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Không chỉ gặp khó khăn trong hành trình đi vay, nhiều người dân còn phải thay đổi công việc, nếp sinh hoạt để có tiền trả nợ cả lãi suất và giá hàng hóa cùng dắt tay leo thang.

Với khoản vay 1 tỷ đồng trả trong 5 năm cùng lãi suất cố định 7,6%/năm, mỗi tháng Quang Anh phải trả 23 triệu đồng cho ngân hàng. Con số này chiếm khoảng 60% thu nhập của anh.

Tương tự, sau 3 năm vay tiền mua căn hộ ven đô ở Hà Nội, chưa bao giờ Tiến Đạt (29 tuổi) cảm nhận rõ gánh nặng trả nợ ngân hàng như năm nay.

Với mức lãi suất hỗ trợ năm đầu 7,8%, từ năm 2 thả nổi theo lãi gửi tiết kiệm cộng 3,5% theo thời hạn 20 năm, mỗi tháng anh thanh toán cho ngân hàng trên 15 triệu đồng, bằng 1/2 thu nhập.

“Ngoại trừ chi phí sinh hoạt cơ bản như điện, nước, ăn, uống, gia đình tôi phải ‘thắt lưng buộc bụng’ và cắt giảm gần hết. Việc các mặt hàng thường nhật tăng giá khiến việc cân đối tài chính giữa sinh hàng hàng tháng và khoản nợ ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Nếu chậm trễ sẽ hình thành dư nợ xấu và ảnh hưởng đến công việc cũng như kế hoạch dài hạn sau này”, anh nói.

Theo Đạt, nếu lãi suất ngân hàng còn tăng cao và ảnh hưởng đến năng lực thanh toán, trong trường hợp xấu nhất, có thể anh sẽ tính đến khả năng bán căn hộ và tìm bất động sản khác phù hợp hơn.

“Thắt chặt chi tiêu là điều bắt buộc. Thậm chí vài tháng gần đây tôi phải tăng năng suất công việc để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Lãi suất cứ tiếp tục tăng cao đồng nghĩa phải lược bỏ khoản chi nào đó”, anh chia sẻ.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.