Sau khi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, tại TPHCM lại xuất hiện một loạt ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” và diện tích nhỏ… Thậm chí, có một số trường hợp “mỏng” đến mức từ ranh giải tỏa đi vào vách tường bên trong căn nhà chỉ khoảng 1 mét, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Tuyến Metro số 2 (TPHCM) đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 mét vuông và 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Tân Bình là địa phương có số hộ dân “dính” giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều nhất.
Sau khi GPMB, hiện nay một số địa phương đang phải giải quyết tình trạng nhà "siêu mỏng", "siêu méo". Chỉ riêng ở địa bàn quận Tân Bình đã ghi nhận 49 trường hợp diện tích nhà ở còn lại dưới 15m2 sau GPMB. Hiện địa phương này đã vận động được 9 trường hợp người dân giao phần còn lại ngoài ranh dự án, và vẫn còn 40 trường hợp không đồng ý giao phần còn lại ngoài ranh.
Ghi nhận của PV Báo Lao động cho thấy sau GPMB, ba căn nhà liền kề nằm trên địa chỉ đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc địa bàn Phường 4, quận Tân Bình) đang thuộc dạng “siêu mỏng”, bởi lẽ từ ranh giải tỏa đi vào vách tường bên trong căn nhà chỉ khoảng 1 mét.
|
Bên ngoài một số ngôi nhà “siêu mỏng” trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huy |
Với diện tích chật hẹp, phía bên trong chỉ vừa đủ chỗ đặt 1 thang bộ để có thể di chuyển lên tầng cao hơn. Tương tự, phần diện tích phía trên những căn nhà này cũng thuộc dạng “siêu mỏng” bởi diện tích sàn quá nhỏ.
Sở TN&MT TPHCM cho biết, hiện thành phố có nhiều khu đất có diện tích và hình thể đất nhỏ hẹp, không đủ chuẩn quy hoạch đô thị xây dựng. Nguồn gốc các khu đất này khá đa dạng như đất do Nhà nước quản lý, lối đi chung hoặc khoảng hở giữa 2 nhà do 1 chủ sử dụng hoặc các hộ có nhà liền kề với diện tích sử dụng chung…
|
Từ cửa kéo đi vào đến vách tường cuối cùng bên trong căn nhà chỉ dài khoảng 1 mét. Ảnh: Nguyễn Huy |
|
Phần diện tích phía trên những căn nhà này cũng thuộc dạng “siêu mỏng” bởi diện tích sàn quá nhỏ. Ảnh: Nguyễn Huy |
Theo khảo sát của Sở TN&MT TPHCM, tại nhiều quận, huyện Quận (1, 3, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Phú Nhuận…) cho thấy, nhu cầu sử dụng đối với các khu đất nói trên để hợp khối với nhà ở hiện hữu của người dân tương đối nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất nằm ở chỗ không phải người sử dụng đất liền kề nào cũng có đủ khả năng tài chính để đấu giá và hợp khối.
|
Từ cửa kéo vào vách tường bên trong chỉ vọn vẻ 2 ô gạch (khoảng 1 mét). Ảnh: Nguyễn Huy |
Để khắc phục tình trạng này, trước đây TPHCM cũng đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ cho phép thí điểm việc giao đất có thu tiền sử dụng đất thay cho hình thức giao đất có diện tích nhỏ hẹp (đất xen cài) không còn sử dụng chung cho chủ đất liền kề để hợp khối theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Sở TN&MT TPHCM cũng đã có kiến nghị UBND TPHCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó có nội dung về đất xen cài.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, với đất tư nhân dẫn đến nhà siêu mỏng, hiện tại vẫn đang có chủ trương khuyến khích người dân hợp thửa, hợp khối. Tuy nhiên, việc khuyến khích hợp thửa lại đụng chạm đến quyền lợi các bên, bởi bên mua thì ép giá mua thấp, bên bán lại muốn bán với giá cao, nên vẫn còn vướng mắc, chưa tìm được tiếng nói chung.
“Với những thửa đất diện tích nhỏ, không thể sử dụng hoặc quy hoạch xây dựng thì nên có quy định chung về đấu giá (nếu đất của Nhà nước) hoặc cơ sở xác định giá (với đất tư nhân) để làm cơ sở định giá để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ điểm nghẽn giúp việc đầu tư chỉnh trang đô thị thuận lợi”- ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/tphcm-giat-minh-voi-nhung-ngoi-nha-chieu-sau-von-ven-1m-292279.html