• Tránh 'xung đột pháp luật' trong đấu thầu đất

Tránh 'xung đột pháp luật' trong đấu thầu đất

Ngày cập nhật: 5/8/2022 » Thị trường nhà đất

Giao đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Góp ý cho nội dung này, chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, quy định giao đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất là giao thoa giữa pháp luật đất đai và pháp luật đấu thầu.

Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Do vậy, Bộ TN&MT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT trong quá trình soạn thảo 2 luật nêu trên, tránh gây "xung đột pháp luật" trong đấu thầu dự án sử dụng đất.

Trao đổi cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, Điều 64 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Trong đó khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất phải đảm bảo điều kiện đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Quy định này xung đột với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.

Theo đó, quy hoạch chi tiết do chủ đầu tư dự án lập. Vấn đề đặt ra là nếu chưa đấu thầu dự án, chưa lựa chọn được chủ đầu tư thì chủ thể nào chịu trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết và bằng nguồn kinh phí nào?.

Do vậy, quy định theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gây xung độ và tạo ra tình huống "con gà - quả trứng" trong đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thì chỉ yêu cầu có quy hoạch phân khu xây dựng hoặc quy hoạch phân khu đô thị là đủ điều kiện đấu thầu, không cần có quy hoạch chi tiết.

Đề cập đến quy định tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất là "dự án có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên" trong dự thảo, ông Nguyễn Văn Đỉnh đánh giá:

"Tiêu chí này theo tôi có phần bất khả thi, bởi quy mô 100 ha là rất lớn. Chẳng hạn với dự án xây dựng khu đô thị theo pháp luật xây dựng chỉ cần có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên, nhưng dự thảo quy định quy mô dự án tối thiểu lên tới 100 ha mới được đấu thầu. Cần đặc biệt lưu ý rằng Luật Đất đai áp dụng chung cho cả nước, trong đó có những địa phương có trình độ phát triển kinh tế-xã hội chưa cao, việc đấu thầu dự án có quy mô 100 ha rất khó thu hút đầu tư, cũng như kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, dễ dẫn đến dự án treo, bỏ hoang hóa đất đai".

Dự thảo cũng quy định "Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 6 tháng trước thời điểm đấu thầu" là không thể thực hiện được do giá đất xác định tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Mặt khác, việc xác định giá đất khởi điểm để đấu thầu không có ý nghĩa, bởi doanh nghiệp trúng đấu thầu không nộp tiền sử dụng đất ngay.

Mà sau khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho doanh nghiệp mới có thể xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể xác định ở thời điểm giao đất.

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo cấp vùng lấy ý kiến các địa phương đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và hội thảo có sự tham gia góp ý của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.