"Chôn" tiền tỷ vào đất khai hoang, đất rừng sản xuất

Ngày cập nhật: 4/2/2023 » Thị trường nhà đất

Khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, phân khúc đất nền chịu ảnh hưởng và được ồ ạt rao bán. Tuy nhiên, dù chủ đất đã xác định giảm giá, thậm chí là cắt lỗ sâu nhưng vẫn khó bán, đặc biệt ở các sản phẩm đất khai hoang, đất rừng sản xuất không có pháp lý rõ ràng.

Dù đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, anh Nguyễn Anh Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thể bán được mảnh đất khai hoang. Theo anh Huy, giữa năm 2020, anh có mua một mảnh đất khai hoang gần 2.000m2 ở huyện Ba Vì (Hà Nội) với giá 3,2 tỷ đồng (tương đương 1,6 triệu đồng/m2).

"Lúc đó, theo tư vấn của môi giới, mảnh đất khai hoang này nằm trong khu vực quy hoạch dân cư, có thể chuyển đổi sang đất ở để sử dụng lâu dài. Qua khảo sát, mức giá trên là hợp lý, tôi quyết định vay thêm ngân hàng 1,5 tỷ đồng để mua", anh Huy kể.

Tuy nhiên, theo anh Huy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất tại thời điểm hiện tại là rất khó và cũng chưa biết bao giờ mới thực hiện được.

Cũng theo anh Huy, khi nhận thấy thị trường trầm lắng và việc chuyển đổi mục đích sử dụng khó khăn, anh đã chủ động rao bán mảnh đất với giá mua vào. Tuy nhiên, các thông tin rao bán gần như không có người quan tâm, dù anh có chấp nhận bán cắt lỗ.

"Tôi đã rao bán cắt lỗ mảnh đất khai hoang này với giá 3 tỷ đồng, giảm 500 triệu đồng so với giá mua vào. Thế nhưng, tới nay vẫn thể bán được", anh Huy buồn bã nói.

Trong khi đó khoản vay của anh được ngân hàng báo tăng lãi suất vay lên tới 14%.

"Hiện tại, khoản vay ngân hàng của tôi phải trả cả gốc và lãi đã lên tới gần 35 triệu đồng/tháng. Số tiền phải trả hàng tháng này là toàn bộ lương của tôi, nhưng mảnh đất khai hoang kia thì vẫn chỉ để cỏ mọc", anh Huy chia sẻ.

Tương tự như anh Huy, không ít nhà đầu tư khác cũng đang bị "chôn" tiền vào đất nền không rõ ràng pháp lý. Đơn cử như trường hợp anh Trần Văn Thắng (ở Hà Nội).

"Giá 1ha đất rừng sản xuất ở huyện Đà Bắc, Lạc Sơn tôi mua năm 2022 đã lên tới 800-900 triệu đồng, cao hơn gấp 2-3 lần năm 2018. Còn ở khu vực huyện Lương Sơn, do có vị trí gần Hà Nội, giá đất rừng sản xuất cũng cao, khoảng 2 tỷ đồng/ha", anh Thắng cho biết.

Từ khoảng năm 2020 đến giữa năm 2022, anh Thắng và nhóm bạn đầu tư của mình đã mua tới hơn 15ha đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp tại Hòa Bình để hướng tới chuyển đổi mục đích sử dụng và tách thửa.

Tuy nhiên, anh Thắng thừa nhận, kế hoạch ban đầu của cả nhóm đầu tư đã bị phá sản do thị trường trầm lắng và các chính sách liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất bị thắt chặt. Cả nhóm chỉ biết đứng chờ và sẵn sàng tính hướng "tháo chạy" để thu hồi vốn sớm khi cần.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.