Trong năm 2020, giá đất một số khu vực ngoại thành ở Hà Nội như: Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20% - 30%, cá biệt khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc, Hoài Đức... tăng 50% so với năm 2019.
Mới đây, trong báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, do quá trình đô thị hóa quá mạnh, nên đất làng, xã tại các khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức;... đã tăng lên ngưỡng 25 triệu - 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019.
Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20% - 30% so với năm ngoái. VARS nhận định, mặc dù giá tăng cao nhưng khối lượng giao dịch không nhiều, chủ yếu giá tăng là hoạt động đầu cơ.
Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên... giá đất tăng 20-30% so với năm ngoài. Ảnh minh họa: Mạnh Thắng.
Sở dĩ các huyện ven đô Hà Nội tăng giá đột biến trong năm 2020 một phần là do thông tin được quy hoạch lên quận trong năm 2022 - 2025. Hiện tượng tăng giá bất thường này đã tạo ra các cơn sốt đất cục bộ ở nhiều nơi.
Báo cáo của VARS cho biết: "Do sốt đất đã có hiện tượng người dân đòi đền bù giá cao 4 - 5 triệu đồng/m2, diễn ra ở nhiều khu vực, làm bế tắc nhiều dự án phát triển bất động sản tại Hà Nội".
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho hay, năm 2020, hầu hết các ngành kinh tế đều suy giảm, nên nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang bất động sản để tạo cơ hội sinh lời. Và đất nền ven đô chính là kênh đầu tư được "chọn mặt gửi vàng" nhiều nhất.
Ông Đính cho biết: Khi có quá nhiều người tập trung vào những vùng trũng thì tự nhiên cầu tăng, cung chưa kịp đáp ứng thì đương nhiên giá sẽ gia tăng. Đặc biệt là với những người ngoài ngành, không có kinh nghiệm.
"Nhu cầu đầu tư không dựa trên cơ sở phát triển bền vững, cộng với sự tăng giá ảo, dần dần sẽ tạo ra bong bóng, có thể dẫn đến sự đổ vỡ nào đó mà nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì rất nhiều nguồn lực và vốn bị dồn vào những khu vực như vậy, với mục tiêu chỉ để đi buôn thay vì để sản xuất, phát triển,... Điều này tạo ra nhiều rủi ro khi đầu tư", ông Đính nói.
Theo các chuyên gia, năm 2020 đầu tư BĐS ven đô được xem là kênh "chọn mặt gửi vàng" nhiều nhất. Trong ảnh là KĐT xanh Ecopark phía Đông Hà Nội.
Do đó, ông Đính khuyến cáo: Nhà đầu tư cần tỉnh táo trước khi rót tiền vào các dự án, đất nền đang có hiện tượng tăng giá "ảo", tăng đột biến trong thời gian ngắn.
"Phải tìm hiểu thật kỹ pháp lý, quy hoạch của dự án. Đồng thời, kiểm tra biên độ tăng giá đất trong vài tháng, cho tới 1 năm. Nếu vượt quá 10% - 15% thì nên cảnh giác", ông Đính nói.
Cũng theo báo cáo của VARS, trong năm 2020, phân khúc trung cấp đang tăng giá nhẹ, trong khi phân khúc cao cấp có xu hướng giảm giá. Đặc biệt, do thanh khoản chậm, nên có nhiều chủ đầu tư cắt lỗ hoặc gia tăng các chính sách hỗ trợ, khuyến mãi;...
Theo VARS, tỷ lệ hấp thụ các dự án căn hộ cao cấp đang rất thấp. Ngay cả những dự án được đánh giá chất lượng tốt cũng không đạt được tỷ lệ hấp thụ như kỳ vọng. Hàng tồn kho nằm chủ yếu ở phân khúc căn hộ có giá trên 35 triệu đồng/m2, nhà đất có giá trên 100 triệu đồng/m2.
Báo cáo VARS cho thấy, trong năm 2020, tổng nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội đạt 16.350 sản phẩm, giảm 58,2% so với năm 2018 và giảm 27,4% so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 26,6%, số lượng hàng tồn kho lên tới 2/3 tổng số nguồn cung mới.
Theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2021, giá căn hộ tại Hà Nội sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020.
Báo dân trí