Cả nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ để bán tại Hà Nội trong quý I/2021 đều thấp. Đáng lưu ý dù nhu cầu đầu tư căn hộ ảm đạm song nhiều chủ đầu tư vẫn "om hàng" chờ tăng giá để bán.
Cả nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ để bán ở Hà Nội đều thấp trong quý I. Ảnh: Đỗ Quân.
Thông tin từ phía JLL cho thấy, nhu cầu đầu tư căn hộ tại Hà Nội trong quý I/2021 vẫn ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát trở lại cùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý khách mua đầu tư, khiến lượng bán giảm 12,6% so với quý trước.
Theo quan sát của JLL, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng lựa chọn đất nền và nhà liền thổ tại các tỉnh thành vệ tinh lân cận Hà Nội nhờ mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn hơn so với căn hộ, đặc biệt là trong bối cảnh "sốt" đất đang diễn ra tại các khu vực này trong thời gian gần đây.
Tại buổi công bố báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội vừa diễn ra, đại diện phía Savills Việt Nam cho biết trong quý I/2021, cả nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ để bán đều thấp.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến việc mở bán chậm lại. Nguồn cung sơ cấp gồm 24.400 căn giảm 10% theo quý và giảm -13% theo năm. Tổng số căn bán được đạt gần 4.700, giảm 29% theo quý và 37% theo năm.
Theo đơn vị này, nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao gây hạn chế nguồn cầu. Giá chào bán sơ cấp trung bình 1.522 USD/m2, khoảng 35 triệu đồng/m2, tăng 5% theo năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cho biết, các sửa đổi đối với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đối tác công tư có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021.
"Những sửa đổi này giúp đơn giản hóa thủ tục chấp thuận dự án và rút ngắn thời gian xin giấy phép xây dựng. Trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn thay thế phổ biến hiện nay đối với các doanh nghiệp Bất động sản", bà Hằng cho biết.
Theo Triển vọng Trái phiếu Doanh nghiệp Việt Nam của FiinGroup, các nhà phát triển bất động sản là nhà phát hành lớn nhất với 38%, tương ứng tổng giá trị hơn 7 tỷ USD, tăng 28% theo năm.
Cũng tại buổi báo cáo, bà Hằng cho biết có hiện tượng chủ đầu tư tại ở Hà Nội "găm hàng", chờ tăng giá mới mở bán. Tuy nhiên theo bà Hằng, hiện tượng này không phổ biến.
Những dự án được chủ đầu tư "om" chủ yếu ở vị trí đẹp, đắc địa. Trong khi đó, ở các vị trí ven đô, ngoại thành, dưới áp lực cạnh tranh, chủ đầu tư vẫn phải tăng ồ ạt nguồn cung để tranh thị phần.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cũng đã đề cập đến tình trạng "om hàng" của một số chủ đầu tư.
Theo ông Võ, cuối năm 2018, những xung đột pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản cùng những khoảng trống pháp luật và việc đẩy mạnh chống tham nhũng… đã làm quá trình phê duyệt dự án giảm.
"Thậm chí số lượng dự án được phê duyệt ở TP.HCM, Hà Nội giảm tới cả chục lần so với những năm trước. Khi cung hàng hóa bất động sản giảm mà cầu tăng thì đương nhiên giá sẽ tăng, đó là quy luật rồi. Trong bối cảnh này, một số chủ đầu tư có xu hướng giữ hàng, nghe ngóng 1-2 năm nữa "bung" ra để bán giá cao hơn khiến thị trường càng khan", ông Võ nói.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng