Ngày 11/3, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ ba, họp bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TTXVN).
Về dự thảo Chương trình 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, đại biểu tại Hội nghị cho rằng, cần nhấn mạnh đến nội dung cải tạo chung cư cũ, tạo bộ mặt mới, diện mạo mới cho đô thị thành phố.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề này đã được đưa vào chương trình 03 để thực hiện. Vừa qua, Hà Nội đã làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ khác có liên quan, các đơn vị ủng hộ làm sớm việc này.
Tuy nhiên, có một số vướng mắc liên quan đến Nghị định của Chính phủ, các vấn đề liên quan đến quy định của Luật Nhà ở. Cụ thể, Luật Nhà ở quy định muốn cải tạo chung cư cũ thì phải được 80% người dân ở chung cư đó ủng hộ. Nhưng qua thực tế, các hộ ở tầng 1 có rất nhiều quyền lợi, rất khó đồng thuận, mà một chung cư cũ có 4 tầng, riêng tầng 1 đã chiếm hơn 20% rồi.
Thành phố sẽ tổng kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn, phân theo chất lượng A, B, C, D để ưu tiên xử lý các trường hợp xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện thành phố có khoảng hơn 1.500 chung cư cũ, trong đó có khoảng 300 nhà chung cư riêng lẻ, còn khoảng hơn 1.200 – 1.300 chung cư nằm trong các khu chung cư cũ. Hà Nội sẽ cải tạo theo từng khu để đảm bảo văn minh đô thị. Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử sắp ban hành cũng sẽ tạo điều kiện để cải tạo chung cư cũ.
Ông Huệ ví dụ, trước đây một khu chung cư cũ thường có 5 toà, mỗi toà 4 tầng, tổng số là 20 tầng. Nếu nhà đầu tư chỉ làm 1 toà nhà 20 tầng thì dân số không thay đổi, diện tích sử dụng đất chỉ có 20%. Diện tích đất còn lại có thể sử dụng làm các thiết chế về văn hoá, y tế, thương mại… Cùng với đó, có thể có tới 4 tầng hầm để làm chỗ để xe. Như vậy, thành phố sẽ trở thành đô thị hài hoà, văn minh trong khi áp lực lên hạ tầng không thay đổi.
Ông Huệ cho rằng, sẽ có đồ án tổng thể để giải quyết tất cả các mặt về quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, các dịch vụ công… Nếu có vướng mắc, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Trước mắt, thành phố ưu tiên việc kiểm định, cải tạo các chung cư hạng D. Nếu làm như thế, tôi tin người dân sẽ đồng tình vì chất lượng cuộc sống tốt, được tái định cư tại chỗ.
Vấn đề quan trọng là cân đối hạ tầng kỹ thuật với dân cư để đảm bảo cuộc sống người dân. Cùng với việc hút dân cư khỏi nội đô, di dời cơ sở ô nhiễm, trường học, bệnh viện. Đất đó không biến thành dự án đô thị thì thành phố sẽ khang trang, rộng rãi, thoáng đãng hơn. Nếu làm được thì giải quyết được sinh kế cho người dân. Nhiều chung cư cũ quá rồi, nếu xảy ra việc gì thì trách nhiệm chính quyền rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, vấn đề cải tạo chung cư cũ ở khu vực nội đô lịch sử đã vướng mắc khoảng 4 nhiệm kỳ nay, chủ yếu liên quan đến quy định của luật pháp, nghị định của Chính phủ, quyết định của thành phố.
Theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ chia ra làm 3 nhóm chung cư cũ. Nhóm 1, gồm tập hợp các chung cư cũ trong một khu (khu tập thể) như ở Kim Liên, Trung Tự, Bạch Mai, Ngọc Khánh… Nhóm thứ 2 là nhóm chung cư cũ mô hình như tiểu khu nhà ở gồm 5 – 7 chung cư một nhóm (không phải khu tập thể). Nhóm thứ 3 là các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ. Với 3 nhóm sẽ có các chính sách khác nhau. Đồng thời, thành phố sẽ tổng kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn, phân theo chất lượng A, B, C, D để ưu tiên xử lý các trường hợp xuống cấp nghiêm trọng D, C, cải tạo đồng bộ với đề án của thành phố.
Nhadat24h.net - Theo báo xây dựng