Vấn đề được đề cập nhiều tại phiên họp là đề xuất của Chính phủ bổ sung quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tại điều 25 dự thảo Luật.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Qua nghiên cứu, thảo luận, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật. Lý do, theo thông tin báo chí phản ánh dư luận xã hội, nhiều ý kiến của các tầng lớp Nhân dân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật và ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra cho thấy chính sách về sở hữu nhà chung cư có thời hạn chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.
Hơn nữa, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.
Theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn sở hữu nhà chung cư không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu mà phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý về xây dựng khi kiểm định nhà chung cư ở các thời điểm khác nhau.
Điều này dẫn đến không xác định được thời hạn sở hữu nhà chung cư khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, khi mua bán nhà chung cư.
Việc dự thảo Luật quy định chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư là chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư, theo đó, quyền sở hữu tài sản trên đất chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn.
Như vậy, quy định của dự thảo Luật chưa khắc phục được khó khăn hiện nay là tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ nhưng người dân không chịu di dời để cải tạo, xây dựng lại, do họ vẫn có quyền sử dụng đất, căn cứ vào đó để “trụ lại” …
Loại ý kiến này đề xuất nghiên cứu phương án quy định: Không bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật mà vẫn giữ như hiện hành, đồng thời bổ sung một số biện pháp, trình tự, thủ tục cụ thể liên quan đến phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Ý kiến khác đề nghị quy định thời gian sử dụng đất ở theo thời hạn sở hữu nhà chung cư (50 - 70 năm) hoặc quy định 2 loại sở hữu vĩnh viễn và sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong báo cáo thẩm tra: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.