HoREA dự báo thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do tín hiệu khả quan từ việc khống chế dịch Covid-19.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sảnTP.HCM (HoREA) công bố báo cáo đánh giá tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2020, dự báo thị trường đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và năm 2021. Đánh giá tổng quát, HoREA nhận định thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2020 có thể chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ tháng 3 đến tháng 7, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê.
Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở.
Một số dự án nhà ở tại Thảo Điền, quận 2, TP.HCM dọc theo tuyến Metro số 1. Ảnh: Chí Hùng
Trong thị trường bất động sản, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê, bất động sản du lịch, condotel, môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan.
Giai đoạn 2 là từ tháng 8 đến nay. Trên cơ sở cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi trở lại, đi đôi với sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp.
HoREA dự báo từ nay đến Tết Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc.
Riêng tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP.HCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
Cụ thể là đề án thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới và việc Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM chuyển đổi chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020.
Theo số liệu tổng hợp 9 tháng đầu năm 2020 của Sở Xây dựng TP.HCM về việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, có 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 9 dự án công nhận chủ đầu tư dự án, 24 dự án được chấp thuận đầu tư, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án với tổng số 6.722 căn nhà, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 4.876 căn nhà thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 72,5%, tăng 24,5%. Phân khúc nhà ở trung cấp chỉ có 1.683 căn chiếm tỷ lệ 25%, giảm đến 56,6%. Phân khúc nhà ở bình dân, chỉ có 163 căn chỉ chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5%, trên tổng sản phẩm nhà ở trên thị trường, so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: Báo xây dựng