Câu chuyện cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TPHCM đang thật sự gặp nhiều khó khăn. Nhiều chung cư cũ đã rơi vào mức độ nguy hiểm nhưng cho tới nay công tác di dời hay thủ tục pháp lý để triển khai dự án vẫn quá nhiều rào cản và khiến cho quá trình thực hiện kéo dài.
Vẫn còn quá nhiều rào cản thủ tục trong việc cải tạo chung cư cũ.
Đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải cải tạo được một nửa trong tổng số 474 chung cư cũ trên địa bàn, tuy nhiên dù chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là hết thời hạn, tới nay trên địa bàn thành phố mới chỉ mới di dời được 32 chung cư cũ. Nguyên nhân vì công tác di dời hay thủ tục pháp lý để triển khai dự án vẫn quá nhiều rào cản.
Đơn cử như trường hợp chung cư cũ tại số 727 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống. Quá trình di dời an toàn, bồi thường thỏa đáng và tái định cư đối với 530 hộ dân tại chung cư gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và kéo dài đến năm 2017 mới hoàn tất. Trong khi đó, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH BĐS Tam Đức đã tham gia đầu tư từ năm 2009, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư khẩn cấp cho 530 hộ dân tại chung cư cũ.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thì quá trình triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án kéo dài từ năm 2001 đã phát sinh một số vướng mắc, đến nay quy định pháp luật có liên quan cũng đã thay đổi từ đó khiến cho việc xây dựng mới chung cư này vẫn dậm chân tại chỗ. Mới đây, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã trình UBND TPHCM dự thảo báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thành phố việc tiếp tục giao Công ty TNHH BĐS Tam Đức đầu tư dự án với việc điều chỉnh lại một số chỉ tiêu. Như vậy việc xây mới chung cư này còn phải chờ thêm thời gian.
Không được “may mắn” như vậy là trường hợp chung cư Trúc Giang, quận 4, sau hàng chục năm mời gọi nhà đầu tư, đã có ít nhất 3 nhà đầu tư được chọn để sửa chữa, di dời chung cư này, nhưng rồi lần lượt bỏ đi và hiện chưa có nhà đầu tư mới. Buồn thảm hơn là trường hợp chung cư Ngô Gia Tự, quận 10 dù là chung cư cấp D nằm trong diện di dời khẩn cấp nhưng đang rơi vào tình cảnh không có nhà đầu tư quan tâm.
Theo ý kiến phản ánh từ nhiều doanh nghiệp bất động sản, cải tạo, xây dựng chung cư cũ được xem là miếng bánh béo bở cho doanh nghiệp tham gia, nhưng trên thực tế, “miếng bánh” này không dễ nuốt. Câu chuyện ì ạch trong quản lý cải tạo chung cư cũ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo phản ánh từ chính quyền quận huyện thì việc di dời cư dân ra khỏi chung cư cũ trước khi tìm ra chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách tạm ứng để hỗ trợ việc tạm cư cho người dân. Dù UBND quận, huyện đã được giao quyền tự quyết, nhưng vướng mắc nhiều khâu, đặc biệt nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước. Có những chung cư cũ tìm mãi không ra doanh nghiệp đăng ký, hoặc chỉ một doanh nghiệp tham gia với điều kiện phải điều chỉnh quy hoạch.
Về phía các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư là do chưa có chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Trước những vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, mới đây Sở Xây dựng TPHCM đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn bổ sung quy định cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo, xây dựng lại thay thế nhà chung cư cũ không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Sở Xây dựng cũng đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính về việc áp dụng quy định miễn tiền sử dụng đất đối với trường hợp cải tạo, xây dựng lại chung cư có một phần diện tích là nhà biệt thự hoặc có mục đích sử dụng khác. Trong trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện xây dựng mới chung cư cũ thì không thỏa thuận bồi thường, mà chỉ thực hiện phương thức tái định cư bằng căn hộ. |
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/i-ach-cai-tao-chung-cu-cu-vi-rao-can-thu-tuc-282608.html