• Ngân hàng khó giải ngân khoản vay cho người dân do dư địa cho vay bị lấp đầy

Ngân hàng khó giải ngân khoản vay cho người dân do dư địa cho vay bị lấp đầy

Ngày cập nhật: 6/8/2022 » Thị trường nhà đất

Tình trạng kín "room" buộc các ngân hàng siết chặt hoạt động cấp tín dụng. Việc lãi suất tăng cao cũng khiến người vay tiền mua nhà phải xoay xở đủ mọi cách để trả nợ.

Với 1,1 tỷ đồng trong tay, hầu hết bất động sản tại TP.HCM đều vượt quá khả năng chi trả của Đình Dũng - 28 tuổi.

Ngay cả khi làm việc trong thành phố và mong muốn mua nhà tại đây, anh vẫn quyết định chọn căn hộ rộng 39 m2 có giá 1,4 tỷ đồng ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi cách trung tâm gần 25 km.

2 tháng trước, sau thỏa thuận với chủ nhà, Dũng tiến hành đặt cọc và đinh ninh không khó để vay ngân hàng thêm 300 triệu.

Theo hợp đồng, anh có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền trong vòng 45 ngày.

“Sau khi ký hợp đồng và đặt cọc 200 triệu, tôi liên hệ ngân hàng thì liên tục nhận được cái lắc đầu. Nhân viên tín dụng thông báo ngân hàng đã kín 'room' 2 tháng nay. Những ngân hàng khác cũng từ chối với câu trả lời y hệt. Họ nói tôi cứ để hồ sơ lại rồi chờ xét duyệt”, Dũng nói.

Sát thời hạn thanh toán, anh bất ngờ nhận được thông báo mời thực hiện thủ tục cho vay của một trong 5 ngân hàng đã liên hệ.

“Đến nơi, nhân viên nói nhỏ đã ưu ái dành suất vay này cho tôi, nhưng kèm theo 2 điều kiện là phải chịu mức lãi suất cao nhất mới áp dụng và mua thêm hợp đồng bảo hiểm trị giá 20 triệu đồng, tức bằng 6% giá trị khoản vay”, anh bức xúc.

Ngân hàng khát "room"

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt 9,27%, cao hơn 16,61% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy đã giảm 0,08% so với thời điểm công bố vào cuối tháng 6, mức tăng hiện tại vẫn chiếm 66% tổng chi tiêu tín dụng cả năm được NHNN đề ra (14%).

Dù vẫn còn gần 5 tháng nữa mới kết thúc năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đến nay đã tiệm cận mức trần, thậm chí vượt giới hạn do NHNN cấp cả năm.

Điển hình như Vietcombank với dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 14,6% tính đến hết tháng 6. Cộng cả dư nợ đầu tư trái phiếu, nhà băng này đang có mức tăng trưởng gần 14,4%, vượt xa hạn mức 10% được NHNN cấp trước đó.

Tăng trưởng tín dụng của BIDV cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi tiến sát hạn mức 10% do NHNN tạm cấp.

Nếu tính hơn 1.449 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng cùng dư nợ đầu tư trái phiếu, tăng trưởng tín dụng của BIDV đã vượt mốc 11%.

Giải thích thực trạng một số ngân hàng cạn hạn mức cho vay, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng quá nhanh.

Trên hết, việc một số tổ chức tín dụng tập trung cho vay trung, dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản khiến thời gian quay vòng vốn chậm, ảnh hưởng đến tốc độ thu hồi nợ và dư địa tăng trưởng tín dụng.

Đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản của toàn ngành ngân hàng vượt 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức tăng chung.

Cho đến lúc đó, việc nộp hồ sơ xin vay vốn phục vụ mục đích mua nhà tại những ngân hàng này dường như khó khả thi.

Dư nợ của lĩnh vực này cũng chiếm tới 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nợ xấu riêng mảng cho vay bất động sản đạt 36.400 tỷ đồng.

Bên cạnh Vietcombank và BIDV, lãnh đạo của một số ngân hàng lớn như VietinBank, MBBank đã phải đề xuất NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để có thêm dư địa cho vay từ giờ đến hết năm

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.