Thực tế, trước động thái siết chặt thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước, thanh khoản trên thị trường thời gian gần đây chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư thời điểm "sốt đất" cùng một số người bạn hùn vốn để "ôm" đất thì hiện tại cũng phải chờ thêm tín hiệu của thị trường, khó ra hàng như dự kiến.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhìn nhận, trong 6 tháng tới, nếu tình trạng siết tín dụng vẫn tiếp diễn, số lượng nhà đầu tư xả hàng sẽ tăng lên.
Đồng thời mức giảm giá cũng nhiều hơn, càng về cuối năm càng dễ xảy ra tình trạng cắt lỗ. Việc thị trường chuyển từ trạng thái giảm lời sang cắt lỗ sẽ biến chuyển rất nhanh, đẩy bất động sản vào cuộc khủng hoảng mới.
Cũng theo vị chuyên gia này, cuối năm, lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá đà buộc phải đua "xả hàng" vì ôm càng lâu càng lún sâu vào bẫy chốt lời không xong nhưng nợ xấu đến gần.
Đối với phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi bị siết tín dụng, chủ đầu tư buộc phải tính đến kịch bản bán sỉ hoặc chiết khấu mạnh để cải thiện dòng tiền.
Tuy nhiên, ảnh hưởng mang tính cục bộ, chỉ ảnh hưởng đến những nhà đầu tư ngắn hạn, có ý định lướt sóng hoặc sử dụng đòn bẩy ngân hàng lớn.
"Đối với một số nhà đầu tư thực thụ, có dòng tiền nhàn rỗi và đầu tư bài bản dài hạn thì sẽ không ảnh hưởng", ông Quang nhấn mạnh.
Còn theo một số chuyên gia bất động sản khác, nhiều người đang có xu hướng giữ tiền mặt để chờ đợi một chu kỳ mới. Còn những nhà đầu tư lướt sóng hiện nay cũng gặp khó vì không có thanh khoản.
Thị trường bất động sản trong hai tháng qua lộ rõ sự lao dốc và ngày càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thị trường nhà đất sẽ không đến mức tồi tệ là đóng băng.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.