Tổng nhu cầu vốn để phát triển nhà ở xã hội tại tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 là 13,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không “mặn mà” với lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 vừa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, xác định mục tiêu ưu tiên là phát triển nhà ở có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Theo đó, nhà ở xã hội đến năm 2025, mục tiêu 894,82 đến 1.114,82 nghìn m2 với 14.854 đến 19.414 căn.
Dự kiến đến năm 2030, nhà ở xã hội tiếp tục được ưu tiên với 1,686 đến 2,184 triệu m2, với 23.020 đến 29.580 căn.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chủ trương, chính sách khá cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Song trên thực tế, do còn gặp nhiều vướng mắc từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà các dự án phát triển nhà ở xã hội đang còn cầm chừng, cân nhắc, chưa có động thái tích cực về đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn yêu cầu phải xác định tiền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai, rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến hiện nay, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định song song hai chính sách về đất xây dựng nhà ở xã hội là: Giao đất không thu tiền sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Hơn nữa, đối với tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất (trong đó có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội) theo phương thức này, thì không phát sinh thủ tục tính tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, tổ chức được giao đất bị hạn chế về quyền: Không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án xây dựng nhà ở xã hội được giao đất không thu tiền, sẽ không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc không được bán nhà ở.
Với phương án của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội chỉ có thể xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mà không được cho thuê mua hay bán sản phẩm.
Điều này sẽ hạn chế tiếp cận để sở hữu nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.