Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 đã mang lại một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, hiện vẫn còn không ít vướng mắc, cần được khắc phục triệt để trong giai đoạn 2021-2030.
Đánh giá, đề xuất sát hiện trạng
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, giai đoạn 2011-2020, nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng trưởng cả về diện tích và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số của địa phương. Quá trình phát triển nhà ở đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật; hình thành các khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà chung cư còn thấp do người dân chủ yếu ưa chuộng nhà ở riêng lẻ.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, loại hình nhà ở do người dân tự xây tiếp tục phát triển mạnh và đóng vai trò chủ đạo trong công tác phát triển nhà ở của thành phố. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 238.762 căn nhà với tổng diện tích sàn nhà ở là 23.923.199 m², tăng thêm 40.530 căn so với năm 2009. Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 26,5 m2 sàn/người.
Loại hình nhà ở thương mại tiếp tục phát triển mạnh và góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở cho người dân, tiết kiệm nguồn lực đất đai, tạo cảnh quan khang trang cho đô thị. Tuy vậy, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 vẫn có nhiều nội dung chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa phù hợp cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở như phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị.
Theo đó, việc xây dựng mới nhà ở cho người thu nhập thấp 21.000m2 sàn; nhà ở công nhân 24.000m2 sàn… đến nay, các mục tiêu này đều không thực hiện được.
Về nhà ở cho học sinh, sinh viên với mục tiêu xây dựng mới là 30.000m2 sàn; đáp ứng tối thiểu 60% số học sinh, sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở. Thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 675/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010-2015. Đồng thời, bố trí quỹ đất, tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên dự án không thực hiện được.
Theo thống kê, tổng số học sinh, sinh viên năm 2020 tại tỉnh là 12.849 người; trong đó, số học sinh, sinh viên có nhu cầu thuê nhà ở là 5.471 người. Cùng đó, số ký túc xá hiện có 22.569m2 sàn, đáp ứng cho 3.349 người.
Về nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã tổ chức lập và phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch, trong đó đã dành diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Giai đoạn 2011-2020 đã quy hoạch với diện tích 14.05ha để phát triển nhà ở xã hội. Thực hiện dành quỹ đất 20%, tại 5 dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị để phát triển nhà xã hội, tổng diện tích 9,36ha. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có năng lực vẫn chưa mặn mà với lĩnh vực này, gây nên hiện trạng thiếu quỹ nhà ở xã hội.
Loại hình đất nền phân lô, nhà ở thương mại tiếp tục phát triển mạnh.
Phát triển sát nhu cầu thực tế
Từ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, Sở Xây dựng đã chủ trì xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030. Qua đó, Sở Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý các Sở, ban, ngành cho Dự thảo điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở, để hoàn thiện trình HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2021.
Theo nội dung dự thảo, đơn vị tư vấn ước tính nhu cầu phát triển nhà ở chung cư của tỉnh giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,9 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026-2030 khoảng 4,3 triệu m2 sàn và dự báo dân số cơ học tập trung nén vào các đô thị Đồng Hới, Ba Đồn, Hoàn Lão, giảm dần khoảng cách giữa các huyện, thị trấn…
Theo ông Nguyễn Công Huấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, có một số mục tiêu không đạt theo ước tính đến cuối năm 2020. Do đó, khi xây dựng nội dung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 phải đảm bảo phù hợp với định hướng điều chỉnh Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QÐ-TTg ngày 30/11/2011, hiện nay đang được xem xét điều chỉnh.
Mục tiêu tỉnh đặt ra ở giai đoạn 2011-2020 là xây dựng mới nhà ở cho học sinh, sinh viên 30.000m2 sàn, đến nay chưa đạt được. Đã đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng giải trình về nguyên nhân, cũng như hướng xử lý trong giai đoạn tới.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, qua cuộc họp lấy ý kiến góp ý, Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát và cập nhật lại hiện trạng nhà ở, đảm bảo số liệu khảo sát, thống kê được viện dẫn sát thực tế, các số liệu tính toán phải khoa học. Ðồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn cần có giải trình thêm các phương pháp và cơ sở tính toán nhằm tạo sự đồng thuận chung của các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị khi thông qua UBND tỉnh, HÐND tỉnh.
Bên cạnh đó cũng cập nhật lại các cơ sở tính toán và đề xuất liên quan đến bố trí nguồn vốn đầu tư công, tính chính xác của việc dự báo nguồn vốn khi áp dụng suất vốn đầu tư, có thể tham khảo thêm để có suất vốn phù hợp với thực tế hiện nay của các công trình tương tự, nhằm tránh phát sinh tăng nguồn vốn quá lớn khi chương trình được phê duyệt và đưa vào thực hiện.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng