Ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở kỳ 5 năm 2021 - 2025 và năm đầu kỳ (năm 2021) của tỉnh Thái Nguyên.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên là 6.919 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 2222/QĐ-UBND ban hành ngày 30/6/2021, ngay trong năm 2021 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,6m2 sàn/người; khu vực đô thị là 33m2 sàn/người.
Theo đó, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 1.012.840m2 tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 7.966 căn; trong đó: Nhà ở thương mại, khu đô thị là 1.803 căn (từ các dự án đang thực hiện); nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng 5.283 căn.
Tổng nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên dự kiến là 6.919 tỷ đồng. Tổng nhu cầu đất thực hiện các dự án nhà ở là 6.130,54ha (trong đó: Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại là 5.572,83ha với 1.593,4ha của các dự án đang xây dựng và 3.979,43ha của các dự án phát triển mới). Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là 32,6ha (đang xây dựng là 28,4ha, phát triển mới 4,2ha). Quỹ đất dành cho nhà ở tái định cư là 525,11ha (trong đó đang xây dựng là 213,4ha và dự án phát triển mới là 311,7ha).
Trong kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân là 29,5m2 sàn/người; khu vực đô thị là 35m2 sàn/người và khu vực nông thôn là 25,8m2 sàn/người với tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 6.562.256m2, tương ứng với 51.495 căn hộ hoàn thành.
Để thực hiện được kế hoạch trên, bên cạnh các giải pháp về đất ở như: Dành quỹ đất cho phát triển nhà ở phù hợp với quy hoạch; thực hiện sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng; quy định cụ thể những khu vực đô thị, khu vực nông thôn được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở…
Thái Nguyên cũng chú trọng đến các giải pháp về vốn và tài chính như: Đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở, các khu đô thị; đa dạng các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ủy thác nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện cho ngân hàng chính sách xã hội để ưu tiên cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, công nhân có nhu cầu về nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thí điểm các cơ chế cho phép các dự án nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê được đóng tiền sử dụng đất theo từng năm để giảm áp lực tài chính cho chủ đầu tư; thí điểm cơ chế quy định doanh nghiệp có sử dụng lao động trong các khu công nghiệp phải đóng góp lợi tức để tạo lập quỹ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên thuê trên địa bàn…
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng