Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở thành Đô thị trực thuộc trung ương vào năm 2025. Điều này được dự đoán sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, khi mảnh đất kinh kỳ này đã “ngủ yên” khá lâu.
Môi trường đầu tư tốt hút nhà đầu tư có thương hiệu
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 17/63 tỉnh thành phố, tăng 03 bậc so với năm 2019, tăng 13 bậc so với năm 2018. Năm 2020, Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số thành phần cao nhất từ trước đến nay như chỉ số thiết chế pháp lý 7,35 điểm; đào tạo lao động 7,35 điểm. Đáng chú ý, các chỉ số về tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động được cải thiện đáng kể. Năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Thừa Thiên Huế lọt nhóm Khá PCI.
Từ đầu năm 2021, Huế đã tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án hàng nghìn tỉ đồng. Đơn cử như mời gọi các nhà đầu tư vào Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế (Thành phố truyền thông thông minh) thuộc Khu B – Đô thị mới An Vân Dương với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng; Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng; Aeon Mall Việt Nam dự kiến đầu tư hơn 160 triệu USD đổ vào TTTM; Thủ tướng cũng duyệt chủ trương đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng hơn 3.000 tỉ đồng tại huyện Phú Vang... Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng bước vào giai đoạn khẳng định giá trị về một cố đô phát triển vượt bậc, song hành cùng sự phát triển chung của cả nước.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ quyết liệt chỉ đạo, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh... Tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Việc tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế nói chung, Thành phố Huế nói riêng. Với động lực này, sẽ kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng về mặt dân số, cũng như nhu cầu nhà đất các phân khúc cao cấp trong khu vực, Huế trở thành vùng đất hứa, thu hút các “ông lớn” của tất cả các ngành nghề đổ về đầu tư.
Nhu cầu phát triển các đô thị mới hiện đại
Bên cạnh thu hút đầu tư thì việc phát triển hạ tầng giao thông là một trong những tiền đề quan trọng giúp Thừa Thiên Huế hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại 1. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao thu nhập người dân, nâng cao tỷ lệ thu ngân sách. Như ông Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Bản thân tỉnh phải làm hạ tầng tốt mới thu hút nhà đầu tư có thương hiệu đến”.
Cầu Trường Tiền - Ảnh Sở du lịch Thừa Thiên Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế lập đề án mở rộng thành phố Huế, nâng cấp sân bay Phú Bài, xây mới các tuyến đường tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch mới, thành phố Huế sẽ mở rộng phạm vi từ 70,76km2 lên 348,54km2. Quy mô gồm thành phố hiện hữu và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, một phần huyện Phú Vang, định hướng trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương, thân thiện với môi trường và là trung tâm đa ngành của cả nước.
Về hàng không, thành phố công bố dự án mở rộng sân bay Phú Bài tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư đã cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Khi vận hành, sân bay sẽ đón 5 triệu khách một năm. Sân bay gồm 2 hợp phần chính là: mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; xây dựng nhà ga khách T2 có qui mô diện tích sàn nhà ga hơn 16.000 m2.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư xây dựng tuyến Cam Lộ - La Sơn. Công trình thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017- 2020 mà tỉnh đang đẩy mạnh.
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển của Thừa Thiên Huế, đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô.
Sông Hương xứ Huế - Ảnh Sở du lịch Thừa Thiên Huế
Đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu và là trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.
Và, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival; trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Việc Thừa Thiên Huế quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại 1 vào năm 2025 sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho địa phương này. Việc phát triển kinh tế dựa trên những thành tựu về thu hút đầu tư, ưu tiên đầu tư công vào hạ tầng giao thông sẽ kéo theo việc tăng trưởng dân số tương lai trong khu vực, đặc biệt là thành phố Huế rất lớn. Để giải quyết bài toán cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng sống, hướng phát triển của thành phố Huế sẽ mở rộng ra các khu vực ven đô, theo các trục kết nối giao thông chính.
Theo đó, việc ưu tiên phát triển cho các khu vực này sẽ trở thành trọng tâm để giải quyết bài toán giãn dân khu vực nội đô, đảm bảo việc phát huy vào bảo tồn các giá trị văn hóa, cũng như xây dựng các đô thị mới với tiêu chuẩn cao hơn. Với mục tiêu này, việc thị trường bất động sản trong khu vực sẽ sôi động trong thời gian tới hoàn toàn có thể diễn ra.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng