Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn. Tuy vậy, việc phát triển nhà ở cho các đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần sớm tháo gỡ.
Với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả.
Hơn 1.600 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp cho nhiều hộ gia đình thuộc đối tượng công nhân, người thu nhập thấp có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 13 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng trên 10.000 căn với tổng diện tích sàn nhà ở trên 960.000m2. Trong đó, có 5 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 1.623 căn nhà, gồm:
Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp Khu công nghiệp Khai Quang, khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, khu nhà ở công nhân của Công ty Honda Việt Nam, khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo và khu nhà ở thu nhập thấp ở phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên.
Ngoài ra, còn có 16 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh có bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật với tổng diện tích lên đến 53ha.
Tuy vậy, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều dự án chậm triển khai.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tính đến thời điểm tháng 4/2019, tỷ lệ diện tích nhà ở công nhân hoàn thành chỉ đạt 10,9% và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hoàn thành đạt 27,8% so với mục tiêu đề ra trong chương trình.
Năm 2021, toàn tỉnh chỉ có thêm 12.000m2 sàn nhà ở xã hội được hoàn thành, đạt 18,7% so với chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra trong năm 2021 (trên 65.000m2).
Thậm chí, trong 2 năm vừa qua, đã có 2 trong số 13 dự án nhà ở xã hội dừng hoạt động là dự án khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức, Khu nhà ở xã hội tại xã Bá Hiến.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay thực hiện chủ yếu từ vốn doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội đòi hỏi vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao.
Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp.
Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhưng không nhiều nhà đầu tư mặn mà với lĩnh vực này.
Mặt khác, thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc do quy định của pháp luật về công tác chọn lựa chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể.
Thêm nữa, quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp, nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng gây mất nhiều thời gian (trên 450 ngày), ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.
Xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025 và đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng gần 766.000m2 sàn nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
Trong đó, có 653.000m2 sàn hoàn thành từ các dự án nhà ở xã hội, phần nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng và trên 112.000m2 sàn hoàn thành từ các dự án nhà ở xã hội đầu tư phát triển mới.
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các thành phố, huyện và các sở ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển nhà ở, hướng dẫn đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; rà soát, bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.