Theo quy định của Bộ Xây dựng sau khi chủ đầu tư tòa nhà chung cư bàn giao căn hộ cho cư dân thì chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị và thông qua các quy định, quy chế, nội dung bảo trì, phí dịch vụ.
Đây là thời điểm quan trọng để chủ đầu tư và cư dân tìm được tiếng nói chung trong việc điều hành, duy trì tòa nhà trong thời gian cư dân sinh sống.
Chủ đầu tư quá cứng nhắc
Theo quy định thì việc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tiên thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo đó chủ đầu tư sẽ căn cứ vào những đơn ứng cử, đề cử của cư dân là chủ sở hữu căn hộ để làm căn cứ đưa ra hội nghị nhà chung cư bầu cử.
Nhưng hiện tại thực tế có một số chung cư, cư dân mong muốn có thêm một bước là bầu các trưởng tầng của tòa nhà sau đó để làm căn cứ sàng lọc những cư dân thực sự có tâm huyết, trình độ, năng lực để tham gia vào ban quản trị, thay mặt cư dân bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng và điều hành hệ thống, bảo trì tòa nhà một cách hiệu quả nhất.
Theo lý thuyết của chủ đầu tư thì những gì không có trong luật, không có trong quy định thì không cần thiết phải làm, thì đây cũng được cho là lý thuyết cứng nhắc của chủ đầu tư vì nếu đây là mong muốn, đề xuất của cư dân nơi cư trú thì việc lập người đại diện cho từng tầng (hay còn gọi là trưởng tầng) là việc làm không tốn kinh phí và cũng không sai luật vì chủ yếu công việc bầu trưởng tầng đều là do cư dân tự họp và tự bầu lên sau đó thông báo nội dung, kết quả cho ban quản lý.
Cư dân thì bị động
Việc bầu trưởng tầng để tiến tới hội nghị nhà chung cư lần đầu có được không?
Trong luật cũng không nói là cấm cư dân bầu các trưởng tầng nơi mình sinh sống, vì thế việc cư dân mong muốn có được người đại diện tầng để cùng ứng cử tham gia ban quản trị là không sai, không phạm luật. Nhưng vấn đề là một số chung cư tại Hà Nội thì việc mong muốn này đến rất chậm và thậm chí là thụ động.
Rất nhiều cư dân quan điểm, tư tưởng rằng ban quản lý của chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm đưa ra văn bản, thông báo hướng dẫn về vấn đề này sau đó mới thực hiện, nhưng khi đến thời điểm tổ chức hội nghị không thấy có công văn, văn bản thông báo thì bắt đầu mới có những hành động tự phát để bầu trưởng tầng theo đúng mong muốn của mình, điều này cũng gây không ít sự lúng túng cho ban tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu dẫn đến sự bức xúc của cả 2 bên “một bên thì cái này không có trong luật nên tôi không làm, một bên thì trong luật không cấm mà tôi mong muốn thì tôi cứ làm”.
Về vấn đề này chị Tạ Thị Miến, cư dân tại một chung cư ở Hà Nội chia sẻ: “Tầng của tôi có 10 căn hộ, khi chuyển về đây là đầu năm 2019, thì cả gia đình tôi và các gia đình khác đều có tư tưởng sinh sống định cư lâu dài vì thế ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã họp bàn và bầu ra 1 cư dân làm đại diện của tầng, lúc đó chúng tôi cũng không nghĩ là người trưởng tầng này sẽ đi tham dự ứng cử ban quản trị tòa nhà mà chỉ đơn thuần nghĩ là có 1 người trưởng tầng để hô hào mọi người trong các phong trào như Tết Thiếu nhi, Rằm Trung thu, Quốc khánh, ……. Để gia tăng sự đoàn kết của các thành viên trong tầng. Hơn thế nữa trong tầng của tôi còn có đóng góp 1 phần quỹ tiền mặt nho nhỏ dành để chi tiêu cho công việc ma chay hiếu hỉ, thăm nom động viên tinh thần nếu có ai bị ốm đau.Và thực tế hơn 1 năm nay hoạt động này là rất hiệu quả và được sự đồng tình rất cao của các thành viên trong tầng. Mọi người trong tầng đều rất thân thiện, có đồ quê, nhà trồng đều lên chia sẻ cho nhau từng quả cà, múi mít. Tôi thực sự thấy môi trường tầng tôi sống đúng là “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Chính vì việc bầu trưởng tầng không có trong luật, không trực thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nên cư dân có ý định sinh sống lâu dài thì cần chủ động làm công việc này sớm chứ không phải cứ có hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị mới thực hiện.
Việc cần thiết nhanh chóng bầu ban quản trị
Theo thời điểm hiện nay thì chung cư tại Hà Nội đang khá nhiều và chủ yếu là chung cư thương mại nên việc mối quan hệ của chủ đầu tư và mối quan hệ của cư dân chỉ là mối quan hệ đối tác, có lợi ích thì làm, không có lợi ích thì thôi, bớt được công đoạn nào thì hay công đoạn đó - miễn sao đúng luật.
Các chung cư tại Hà Nội hiện nay, chủ yếu đang được thực hiện bàn giao cho cư dân vào sinh sống khi chưa hoàn tất 100% các hạng mục toàn diện của dự án như bể bơi, siêu thị, sân chơi, trường học, … vì vậy rất nhiều cư dân sau khi nhận bàn giao về sinh sống mới đặt câu hỏi liệu chủ đầu tư có thực hiện xây dựng các hạng mục đúng theo quy hoạch thiết kế hay không?
Một trong những hạng mục thuộc dự án Mipec City View đang được rất nhiều người dân thắc mắc "nó là cái gì"
Đây chính là vấn đề cần nhanh chóng thành lập bản quản trị, vì theo đúng quy định thì sau khi thành lập ban quản trị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ thiết kế của tòa nhà cũng như hồ sơ thiết kế của tòa bộ dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ vào đó, cư dân có thể biết được dự án còn thiếu hạng mục nào, tiến độ của các hạng mục là ra sao?
Đồng thời cư dân cũng sẽ biết được trong tòa nhà mình sinh sống, diện tích nào trực thuộc quyền quản lý sở hữu, sử dụng của chủ đầu tư?
Vấn đề tiếp theo, khi ban quản trị được thành lập thì ban quản trị là đại diện cho cư dân có quyền chất vấn ban quản lý toà nhà về vấn đề chất lượng dịch vụ và phí dịch vụ. Hơn thế nữa ban quản trị có thể thay mặt cư dân thay thế đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp do cư dân lựa chọn để lợi ích của cư dân là tốt nhất.
Hiện tại, chủ yếu cư dân tại các tòa nhà chung cư đều thúc ép chủ đầu tư nhanh chóng tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tiên để thành lập ban quản trị, mong muốn có tiếng nói và yêu cầu những quyền lợi hợp pháp mà chủ đầu tư đã cam kết. Tất nhiên, trong đó cũng có một số nơi yêu cầu giãn thời gian thành lập ban quản trị trong khi đã nhận quyền sở hữu nhà ở được gần 2 năm.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/bau-ban-quan-tri-toa-nha-chung-cu-chua-bao-gio-la-het-nong-281956.html