“Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của cả xã hội” là khẳng định của ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Hải Dương tổ chức chiều 31/7.
Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030 do Sở Xây dựng Hải Dương báo cáo tại phiên họp, trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua, phần lớn chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội để người lao động yên tâm làm việc.
Do đó các khu, cụm công nghiệp đều đang thiếu nhà ở cho công nhân nên công nhân phải thuê trọ nhà ở của người dân, nơi ở chật chội, thiếu thốn.
Một số khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng chưa đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa, công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt dẫn đến số lượng công nhân vào ở đạt tỷ lệ thấp.
Nhiều người có thu nhập thấp đang phải sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp, thiếu các tiện nghi cơ bản...
Vì vậy, các Sở, ngành, địa phương cần rà soát nhu cầu thực tế để làm căn cứ thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Thực hiện đề án này, Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 15.900 căn nhà ở xã hội, đến năm 2025 phấn đấu xây dựng thêm 390.669m2 sàn, tương đương 5.800 căn hộ; đến năm 2030 phấn đấu xây dựng thêm 670.640m2 sàn, tương đương 10.100 căn hộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của người làm quản lý Nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và người dân. Đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện các nội dung đề án.
Trong đó, cần phân nhóm đối tượng, đánh giá nhu cầu nhà ở xã hội cụ thể của các địa phương để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh có định hướng đầu tư nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phát huy hiệu quả nhu cầu sử dụng và chất lượng đầu tư.
Đồng thời, đề án cần thể hiện rõ thực trạng, giải pháp, nhất là kinh phí xây dựng, cần phải phân kỳ đầu tư và tổ chức thực hiện đề án bảo đảm cân đối ngân sách địa phương.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.